Đây chỉ là một trong nhiều hạn chế về công tác quản lý đầu tư mà Hà Nội dự định sẽ khắc phục bằng những quy định mới chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đổi mới quy định quản lý đầu tư sẽ không phát huy tác dụng nếu các cơ quan quản lý nhà nước còn tiếp tục thiếu trách nhiệm buông lỏng quản lý.

Hà Nội: Đổi mới quản lý đầu tư vẫn vướng lợi ích nhóm? | ảnh 1
Các cơ quan chức năng cần đổi mới trong quản lý đầu tư. Ảnh: Đàm Duy

''Choáng" vì quy định không rõ

Hà Nội đã bắt đầu đổi mới quản lý đầu tư bằng việc thay thế Quyết định 37/2010/QĐ-UBND ngày 20/8/2010 quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn TP. Nổi bật trong dự thảo quy định mới là Sở KHĐT và Sở Xây dựng sẽ là hai đầu mối tiếp nhận thủ tục xin đầu tư các dự án. Trong đó, Sở Xây dựng tiếp nhận các dự án về nhà ở, Sở KHĐT tiếp nhận các dự án còn lại. Định kỳ 6 tháng, TP sẽ công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Các nhà đầu tư có 3 tháng để nghiên cứu, quyết định có tham gia hay không…

Tập thể UBND TP Hà Nội vừa cho ý kiến lần thứ hai về dự thảo quy định mới do Sở KHĐT xây dựng. Nhưng theo nhiều thành viên UBND TP, nội dung dự thảo lần này vẫn chưa rõ quyết tâm và trách nhiệm đổi mới quản lý đầu tư. Điều khiến nhiều người thất vọng nhất chính là các quy định hướng dẫn thủ tục đầu tư quá chung chung. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng, nếu đọc quy định này, các nhà đầu tư định vào Hà Nội sẽ bị "choáng" vì quy định không rõ nên không biết làm thủ tục đầu tư ra sao.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng chung nhận định, cứ theo quy định này thì bản thân lãnh đạo các sở, ngành, thậm chí lãnh đạo TP cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chưa kể, còn có những ý kiến chưa đồng tình với nhiều nội dung quy định trong dự thảo. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng, định kỳ 6 tháng công bố danh mục đầu tư là quá dài, càng không nên quy định "cứng" về thời gian của việc này. Mặt khác, dù thống nhất về đầu mối quản lý đầu tư là Sở KHĐT và Sở Xây dựng, nhưng quan điểm này chưa được thể hiện xuyên suốt trong dự thảo quy định. Nếu quy định thiếu thống nhất sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau gây khó dễ trong quá trình áp dụng, thậm chí là kẽ hở cho thói nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức…

Có thể thấy, quá trình đổi mới đầu tư đang gặp nhiều khó khăn ngay từ bước đầu tiên là đổi mới quy định hiện hành. Có người lo ngại rằng, việc đổi mới quản lý đầu tư không tránh khỏi những tác động của lợi ích cục bộ nào đó. Nên để đạt thành công cần có sự thẩm định nghiêm túc, tỉ mỉ của lãnh đạo TP. Quy định mới phải thể hiện tinh thần đổi mới thực sự mới có thể bắt tay vào việc đổi mới quản lý đầu tư trên thực tế.

Đổi mới phải đủ cả hai "vế"

Mỗi năm tại Hà Nội có hàng ngàn dự án đầu tư, nhưng chất lượng quản lý vẫn rất hạn chế. Trong đó có nhiều dẫn chứng cho thấy, trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành rất lỏng lẻo.

Lý giải về việc hàng chục chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán theo quy định, UBND TP Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do năng lực thực hiện của các ban quản lý dự án chuyên nghiệp trực thuộc thành phố và các sở, ngành, quận, huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Một số sở, ngành, quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vướng mắc cùng chủ đầu tư, chưa bám sát để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định.

Một dẫn chứng khác cho thấy trách nhiệm của các cấp, các ngành thành phố trong quản lý đầu tư chưa được ràng buộc và giám sát chặt chẽ, còn để tình trạng "cắt khúc" trong quản lý đầu tư, nghĩa là không có cơ quan "theo" một dự án từ đầu tới cuối. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, nhiều trường hợp, nhà đầu tư vi phạm về thời hạn sử dụng đất hoặc thời hạn cam kết tiến độ, nhưng không có cơ quan nhà nước nào kịp thời "tuýt còi", hỏi đến thì "cơ quan này chỉ sang cơ quan kia". Trên thực tế không phải thành phố thiếu những quy định về trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện trong việc chấn chỉnh vi phạm. Chỉ cần thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, các sở, ngành, quận, huyện cũng đã đủ thẩm quyền để "tuýt còi" các vi phạm của chủ đầu tư dự án. Nhưng sở dĩ có hiện tượng trông chờ, né tránh là vì các cơ quan này thiếu trách nhiệm.

Một trong những chế tài mà nhà đầu tư vi phạm e ngại nhất là công bố công khai tên, địa chỉ, nội dung vi phạm và quy định không được tham gia các dự án tiếp theo. Nhưng tại Hà Nội, biện pháp này chưa được áp dụng vì một lý do rất khó chấp nhận là giữa các sở, ngành chưa "liên thông" thông tin với nhau. Việc này chắc chắn là không khó đến mức không thể làm được nếu các sở, ngành đều quyết tâm thực hiện trách nhiệm quản lý đầu tư.

Những ví dụ trên chứng minh một thực tế là muốn đổi mới quản lý đầu tư phải bắt đầu từ đổi mới quy định hiện hành, nhưng chưa đủ, nếu không muốn nói là trước tiên cần phải đổi mới về tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành. Quy định mới tuy có nhiều cải tiến, nhưng trong thực thi vẫn tái diễn tình trạng né tránh, đùn đẩy thì e rằng chất lượng quản lý đầu tư sẽ khó thay đổi.

(Theo HNM)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME