Hà Nội: Sẽ mở cửa cho tư nhân mua biệt thự Pháp cổ
Sở Xây dựng thành phố Hà Nội vừa trình UBND thành phố dự thảo Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự do Pháp để lại, trong đó đề xuất cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân tham gia mua gom, cải tạo, bảo tồn những biệt thự này...
Biệt thự 17 Trần Hưng Đạo đeo đầy “ba lô”, nhà hàng quanh mình. Ảnh: Minh Tuấn. |
Phân loại biệt thự
Ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, Hà Nội đã hoàn tất phân loại biệt thự. Loại 1 là biệt thự có giá trị đặc biệt về văn hoá, kiến trúc, lịch sử, có quy mô lớn, vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên bản, giữ được đặc trưng kiến trúc.
Loại 2: Biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị về văn hóa, kiến trúc nhưng ít nhiều đã bị biến dạng, xuống cấp nhưng cần bảo tồn.
Loại 3: Có giá trị trung bình về văn hoá, kiến trúc, đã bị lấn chiếm, cải tạo một phần được xem xét bảo tồn hoặc phá bỏ xây mới. Loại 4: Biệt thự đã bị phá bỏ, xây nhà mới.
Trong số 1.586 biệt thự dạng này có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên các tuyến như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị làm biến dạng, tình trạng tranh chấp tại đây rất phức tạp.
Biệt thự thuộc sở hữu nhà nước hiện do hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đề nghị, khi phân loại cần lưu ý nhiều tiêu chí để đánh giá cho thật sự đúng biệt thự nào cần bảo tồn, biệt thự nào cần phá bỏ, xây mới.
Chục năm trước, Hà Nội đã trình Chính phủ Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự. Tuy nhiên, quy chế này không đi vào thực tiễn. Trước thực trạng như vậy, tháng 12-2009, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Hà Nội dừng phá dỡ biệt thự cũ...”
Mở cửa cho tư nhân
Trao đổi với PV, ông Hoàng Tú cho hay, mục tiêu lớn nhất là bảo tồn và phát triển được giá trị của quỹ nhà biệt thự.
KTS Đào Ngọc Nghiêm Theo ông Nghiêm, gần 1.600 biệt thự do Pháp để lại có giá trị văn hóa, kiến trúc hết sức đặc biệt với Hà Nội nên cần khẩn trương có quy chế quản lý sử dụng. “Cả chục năm qua chúng ta buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến tình trạng hiện nay. Khi phân loại cần xem xét mối quan hệ sở hữu trong các biệt thự; mối quan hệ giữa kiến trúc biệt thự với quy hoạch không gian của khu phố, tuyến phố; sự tiêu biểu của phong cách kiến trúc”. |
Bên cạnh việc sử dụng ngân sách nhà nước tham gia bảo tồn, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố tạo cơ chế để người dân có thể tham gia hiệu quả nhất vào việc bảo tồn quỹ nhà, thông qua đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho người dân.
Với những biệt thự có vị trí đẹp, có giá trị lớn về văn hóa, kiến trúc nhưng đang do nhiều người dân cùng sở hữu thì tạo điều kiện cho tư nhân mua gom, từ đó cải tạo, bảo tồn.
“Nếu một căn biệt thự do cả chục hộ dân đồng sở hữu thì rất khó tìm tiếng nói chung trong cải tạo. Do vậy, nếu có một người đủ điều kiện mua gom thì sẽ thuận lợi hơn khi cải tạo, bảo tồn. Những hộ dân dời đi cũng có điều kiện được sống trong căn nhà rộng hơn, khang trang hơn”, ông Hoàng Tú nói.
Một vướng mắc lớn khác cần tháo gỡ là biệt thự chưa hoàn tất về thủ tục pháp lý như có đất xen kẹt nhà nước chưa bán. Vấn đề này sẽ được tháo gỡ sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Theo đó, sẽ tạo điều kiện để người dân mua gom nhà nhỏ lẻ trong các khu biệt thự qua việc bán phần đất xen kẹt cho họ bằng giá đất mà thành phố công bố hằng năm theo Luật Đất đai.
“Giá mua đất do Nhà nước ban hành sẽ ổn định hơn nhiều so với thị trường và quan trọng là tránh việc một số hộ dân bắt bí lẫn nhau trong quá trình mua gom”, ông Hoàng Tú nói.
(Theo TPO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet