Hà Nội: Thị trường văn phòng cho thuê vẫn giữ nhịp
Nhiều dự đoán cho rằng, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tăng mạnh do nhu cầu về văn phòng cao cấp tăng cao trong khi nguồn cung không tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó vẫn chưa xảy ra.
Nguồn cung văn phòng phía Tây tăng mạnh
Tại Hà Nội, vài năm trở lại đây, thị trường văn phòng cho thuê vẫn duy trì được sự ổn định và hiện vẫn chưa bị áp lực tăng giá như một số dự đoán trước đó.
Theo báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam, trong quý II/2017, tổng nguồn cung diện tích văn phòng cho thuê tại Hà Nội là 1.233.000m2, tăng so với quý I (1.209.000m2).
Việc gia tăng nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội là do nhiều tòa văn phòng lớn được đưa vào sử dụng như HUD Tower (hạng B) với 24.051m2, Horison Tower (hạng B) với 8.384m2, Sun Square (hạng B) với 11.580m2. Nguồn cung mới này đều tập trung ở phía Tây thành phố.
Báo cáo của CBRE cho thấy, nhu cầu văn phòng cho thuê đang chuyển dần sang khu vực phi tập trung.
Tuy nhiên, một đại diện của Office Space cho hay, nhu cầu thuê văn phòng tại khu vực trung tâm và vùng ven vẫn ổn định, không có sự dịch chuyển. Có điều, khi khu trung tâm không còn quỹ đất để phát triển các tòa nhà văn phòng, trong khi các tòa nhà văn phòng ở những quận vùng ven lại xuất hiện nhiều, nên tạo cảm giác có sự dịch chuyển về địa điểm thuê.
Tòa nhà văn phòng này vẫn đang tìm khách thuê. Ảnh: Đức Thành |
Một điểm tích cực của thị trường văn phòng là mức hấp thụ của thị trường vẫn khá tốt dù nguồn cung tăng lên. Trong khi khu trung tâm không có nhiều biến động, thì các điểm cho thuê mới nổi ở vùng ven đã phần nào giải tỏa nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Trong đó, các ngành truyền thống như sản xuất, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng vẫn có nhu cầu thuê văn phòng lớn nhất.
Ông Lê Kim Quyền, Giám đốc Công ty BĐS Ngôi nhà Hạnh phúc cho biết: "Lượng thuê văn phòng trong 6 tháng đầu năm có chiều hướng tăng lên. Dù nguồn cung ngày một nhiều, nhưng do ảnh hưởng của quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, nên khách tìm hiểu văn phòng để thuê có sự dịch chuyển tích cực. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn ở mức đang tìm hiểu sâu hơn và nguồn cung dồi dào, nên giá cơ bản không tăng, mà có xu hướng giảm nhẹ".
Về sự nở rộ của thị trường văn phòng cho thuê phía Tây Hà Nội, ông Quyền cho rằng, bên cạnh sự góp mặt của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, còn do sự gia tăng về số lượng công ty mới thành lập.
Ông Quyền cho biết thêm: "Việc nhiều dự án văn phòng cho thuê phía Tây gia nhập thị trường khiến nguồn cung tại khu vực này đã nhiều lại càng nhiều hơn. Khách hàng có thêm nhiều lựa chọn và giá thuê cũng giảm".
Dự báo, nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục dồi dào khi hàng loạt dự án lớn được đưa vào sử dụng trong nửa cuối năm 2017 và 2018-2019. Một số dự án văn phòng cho thuê điển hình có thể kể đến như Khu phức hợp Discovery - GFA, HUD Tower (tòa tháp thứ 2), FLC Twin Tower, Vietinbank Tower, DSD Building - GFA, Richy Tower - GFA, Eurowindows - GFA, Oriental Sun Tower...
"Bánh ngọt" không dành cho tất cả
Trên đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, một tòa nhà văn phòng đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Đại diện đơn vị quản lý tòa nhà này cho biết, sau 1 năm rưỡi, diện tích lấp đầy đạt 80%. Điều này đã lý giải vì sao từ khi đi vào hoạt động, tòa nhà này chưa khi nào bỏ biển cho thuê văn phòng.
Dù thị trường văn phòng cho thuê ở Thủ đô có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng chiếc bánh không phải dành cho tất cả. Tại Hà Nội vẫn còn không ít những tòa nhà văn phòng có diện tích trống lên đến mấy chục phần trăm.
Nguồn vốn FDI tăng mạnh, sự ổn định của nền kinh tế, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương, phong trào khởi nghiệp lên cao… là những yếu tố chính giúp thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội vẫn ổn định. Đây là lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, để loại hình kinh doanh này được triển khai một cách hiệu quả, các đơn vị phát triển cũng cần lưu tâm tới một số vấn đề.
Từ khi tòa nhà này được đưa vào sử dụng, biển cho thuê văn phòng vẫn luôn thường trực |
Các mảnh đất nhỏ (diện tích trên dưới 100m2) nếu xây tòa nhà văn phòng rồi xé lẻ để cho thuê rất dễ do nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ tăng mạnh. Tuy nhiên, mặt trái của nó là không có nơi để xe, khó quản lý, thang máy và cơ sở hạ tầng quá tải... Đây là nguyên nhân khiến khó giữ chân khách thuê lâu dài.
Theo các chuyên gia, với diện tích như vậy, chủ đầu tư nên phát triển mô hình kinh doanh BĐS khác có tính khả thi hơn, dễ lấp đầy hơn như xây dựng căn hộ dịch vụ cho người nước ngoài thuê.
Nhiều chủ đầu tư xây tòa nhà văn phòng diện tích nhỏ muốn cho thuê cả tòa nhà (cho một công ty), nhưng điều này là rất khó, bởi chi phí mỗi tháng lên cả trăm triệu đồng. Với chi phí này, nhiều doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất xây trụ sở riêng thay vì đi thuê.
Chung quan điểm, đại diện Office Space cho biết: "Văn phòng có diện tích khoảng 100-300m2 là được yêu thích nhất, rất nhiều khách có nhu cầu ở khoảng diện tích này, các diện tích khác đều khó cho thuê hơn, vì quá nhỏ hoặc quá to, không phù hợp với nhu cầu sử dụng”.
Dù thị trường văn phòng cho thuê đang phát triển ổn định, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ vẫn cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt, thể hiện sự đồng cảm với khách thuê khi thị trường có nhiều biến động.
Ông Quyền chia sẻ: "Khi thị trường đi xuống, hãy mạnh dạn giảm giá cho khách thuê và tăng giá khi thị trường đi lên. Hãy chia sẻ khó khăn để hợp tác với doanh nghiệp đi thuê. Đừng thực hiện cứng nhắc theo hợp đồng, vì khi thị trường đi xuống, các doanh nghiệp đều muốn cắt giảm ngân sách sao cho phù hợp. Nếu người cho thuê không hiểu được quy luật đó, ắt sẽ phải trả giá khi tỷ lệ trống nhiều mà không có khách thuê".
Rõ ràng, khi nguồn cung ngày càng nhiều, chủ các tòa nhà văn phòng cho thuê cũng nên nhìn lại mức giá, chất lượng dịch vụ của mình để đưa ra chiến thuật kinh doanh hợp lý, đồng thời, nên lắng nghe các nhà tư vấn thuê nhiều hơn nữa để có giải pháp thuê phù hợp nhất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet