Hải Dương: Người dân được bồi thường 50.000/m2 | ảnh 1
Chợ Thông mới xây xong nhưng không có ai vào buôn bán

Chính quyền làm tắt “vỗ béo” nhà đầu tư

Theo kiến nghị của các hộ dân thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương diện tích đất nông nghiệp của họ tại khu vực đồng Đông Tơi đang cấy trồng ổn định bỗng dưng tháng 1/2008, họ nhận được thông báo của xã lên nhận tiền bồi thường hoa màu 1 tháng (2000 đồng/1m2) để dành đất sau này làm chợ.

Tiếp đó, tháng 4/2008, ông Đội trưởng Đội 11 mang giấy tờ đến từng hộ dân (59 hộ) có đất tại khu vực trên để xin chữ ký các hộ xác nhận diện tích đất và “tiện” ký luôn phương án bồi thường. Người dân cứ nghĩ là ký xác nhận diện tích đất sau này sẽ xây chợ nên cứ ký, nhiều hộ sinh nghi không ký nhưng nhiều lần bị vận động, thúc ép và nhận được những lời hứa đường mật nên cũng phải ký. Cá biệt có một hai trường hợp không ký thì cán bộ xã ký hộ luôn.

Hải Dương: Người dân được bồi thường 50.000/m2 | ảnh 2
Chợ Thông cũ

Cụ Phạm Thị Chai, 77 tuổi cho biết: Thấy nghi ngờ việc làm mờ ám của xã nên tôi không ký nhưng sau nhiều lần vận động, thúc ép không được, ông trưởng thôn đã “ký hộ” tôi.... Ký xong ít ngày, các hộ dân được mời ra xã lĩnh tiền với giá bồi thường đất và các khoản hỗ trợ là 45.000/1m2, có hộ không ra như hộ bà Phạm Thị Mừng thì cán bộ “linh động” ký lĩnh tiền hộ và gửi vào tiết kiệm.

Khi các hộ dân đang lĩnh tiền thì Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc (Tây Bắc) đã tiến hành san lấp mặt bằng, rồi họ khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, xây chợ và phân lô bán nền với giá từ 3 – 7 triệu đồng/1m2 tại thời điểm đó, đến nay họ đã bán hàng chục triệu đồng/1m2.

Thấy đất cấy trồng của mình bị mang ra kinh doanh kiếm lời trái phép, các hộ dân kiến nghị thì ngày 16/6/2008, UBND huyện Thanh Miệm mới ban hành quyết định số 604/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu chợ Thông và dân cư thương mại xã Đoàn Tùng (dự án chợ Thông) để hợp thức hóa. Lúc này, các hộ dân mới tá hỏa “thì ra mình bị lừa”…

Làm việc với phóng viên, ông Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện đã thừa nhận: Do dân ủng hộ nên chúng tôi đã làm tắt “bồi thường cho nhân dân trước, quyết định thu hồi đất sau…”. Việc làm tắt này đã “vỗ béo” Tây Bắc nhưng bất chấp quyền lợi của hơn 50 hộ dân mất đất, trong đó có hộ mất đến gần 60% đất cấy trồng như hộ chị Nguyễn Thị Tình có 3 sào 3 bị mất 1 sào 8, hộ chị Phạm Thị Mừng có 1 sào 3 mất hết….

Theo người dân cho biết, việc làm tắt trên “vỗ béo” Tây Bắc và chính quyền cũng có phần. Bởi Tây Bắc thông báo dự án có tổng cộng 109 lô đất phân lô bán nền nhưng Thanh tra tỉnh đã phát hiện ra dự án có 117 lô và theo người dân kiểm đếm thì dự án có đến 121 lô. Vậy, 11 lô đất mà Tây Bắc “ém” đi liệu có phải để dành phần cho ai đó…!? Trong số ai đó, có ông Hà, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng có 1 lô đất 84m2 ở vị trí đẹp đang xây nhà. Khi được hỏi về việc này, ông Hà cho biết ông đã mua lại lô đất trên với giá gần 700 triệu…

Nhiều việc làm khuất tất của chính quyền

Thấy dự án chợ Thông có nhiều khuất tất, các hộ dân liên tục có đơn kiến nghị, tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền xã Đoàn Tùng, chính quyền huyện Thanh Miện và cá nhân ông Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện. Theo đó, các hộ dân đã tố cáo ông Chiêu và chính quyền địa phương lừa dối các hộ dân để thu hồi trái phép 25,497m2 đất cấy trồng của các hộ dân và “phù phép” cho Tây Bắc trúng thầu để phân lô bán nền kiếm lời gấp hơn 200 lần.

Các nội dung tố cáo trên đã được Thanh tra tỉnh Hải Dương kết luận là không có cơ sở. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế và các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy việc thu hồi đất như trên là ngược quy trình và căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ thì dự án nêu trên không thuộc bấy kỳ trường hợp nào mà Nhà nước cho phép thu hồi đất.

Điều đó cũng có nghĩa Quyết định 604/QĐ-UBND ngày 16/6/2008 của UBND huyện Thanh Miện không đủ căn cứ để thu hồi đất. Việc UBND huyện lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức “đấu thầu hạn chế” có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, ngày 2/4/2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1128/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu chợ Thông và khu dân cư thương mại xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện. Theo quyết định này, UBND huyện Thanh Miện được giao làm “chủ đầu tư dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư trình duyệt quy hoạch và dự án đàu tư” và có trách nhiệm trình UBND tỉnh phê duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư…”

Ngay sau khi có quyết định của tỉnh, UBND huyện Thanh Miện lập tức trình hình thức đầu thầu hạn chế để lựa chọn nhà đầu tư. Theo tố cáo của người dân thì về hình thức, huyện Thanh Miện cũng cho vài doanh nghiệp tham gia đấu thầu cho có vẻ minh bạch, cạnh tranh, nhưng thật ra, Tây Bắc là cái tên đã được lựa chọn từ năm 2007 trong Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 28/12/2007 của HĐND xã Đoàn Tùng, lúc đó, công ty này đã được lựa ghi danh là chủ đầu tư thực hiện dự án trên.

Trước sự "nhanh nhảu" của huyện, UBND tỉnh Hải Dương cũng nhanh chóng ban hành Quyết định 1444/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 phê duyệt hình thức đầu thầu để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu chợ thông… Nhưng ngay sau đó, dường như thấy bị “lố” nên vụ đấu thầu trên của hai cấp chính quyền đã phải gọi lại cho đúng pháp luật là “đấu giá quyền sử dụng đất”.

Ngày 8/5/2008 UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1584/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá và hồ sơ mời đấu giá QSD đất để lựa chọn nhà đầu tư. Thế nhưng, hình thức và phương thức đấu giá vẫn áp dụng hình thức “đấu thầu hạn chế trong nước”, danh sách các nhà thầu đấu giá vẫn thực hiện theo Quyết định 1444/QĐ-UBND ngày 29/4/2008.

Kết quả đấu giá đúng như “dự đoán” Tây Bắc là doanh nghiệp trúng đấu giá. Ngày 9/6/2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1970/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu giá. Theo đó, Tây Bắc được lựa chọn là nhà đấu tư với mức giá trúng thầu là 5.373.849.000 đồng, trong đó, đất xây chợ là 100.000 đồng/1m2, đất khu dân cư thương mại là 433.000 đồng/1m2.

Sau đó, ngoài diện tích xây chợ và cơ sở hạ tầng, Tây Bắc đã chia diện tích đất còn lại thành hơn 100 lô nền chuyển nhượng cho người khác với giá vài trăm triệu đồng 1 lô nền. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Chiêu khẳng định là UBND tỉnh Hải Dương cho phép Tây Bắc phân lô bán nền. Trong khi đó, pháp luật đã quy định không cho phép chuyển nhượng QSD đất dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở.

Chợ Thông mới được xây dựng, không có người đến mua bán vì giá thuê mặt bằng và dịch vụ quá cao. Để thu hút khách, chủ đầu tư đã tiến hành “bo” cho cả người bán hàng và mua hàng suốt hàng tháng trời. Theo đó, ai đến chợ Thông mua bán cũng được Tây Bắc cho từ 20 – 50 ngàn. Thế là nhiều người “hôi của” cứ mang chó, mèo ra chợ hét giá thật cao không ai mua để hôm sau lại mang ra nhận tiền bo…

Không chỉ có chính quyền huyện, UBND xã Đoàn Tùng cũng rất mau mắn ủng hộ Tây Bắc nhanh chóng vào cuộc “xóa sổ” chợ Thông cũ bằng cách giao toàn bộ diện tích đất của chợ Thông cũ cho khu dân cư số 1 và thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng để xây dựng nhà văn hóa, nhà tang lễ và sân vui chơi thể thao. Trong khi đó, không có bất kỳ điều, khoản nào của pháp luật cho phép UBND cấp xã được giao đất…

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

(Theo VnMedia)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME