Xin hỏi:

a. Đại diện phường có thẩm quyền như thế nào trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư?

b. Có phải nhất thiết là phải có đại diện của trên 50% căn hộ tại đây tham dự mới đủ điều kiện, hay chỉ cần trên 50% số căn hộ có người ở (vì một số căn hộ tại đây đến nay vẫn chưa có người ở – chủ sở hữu mua để dành). Mong quý báo giải đáp. (Hà Quỳnh như, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú).

Đại diện phường có thẩm quyền như thế nào? | 1
Những tranh chấp sở hữu chung - riêng và dịch vụ ở chung cư cần phải có ban quản trị chung cư do hội nghị nhà chung cư bầu ra để xử lý, tránh tình trạng chủ đầu tư tự quyết định mọi việc như trước đây. Ảnh: TL SGTT

Trả lời:

Hội nghị nhà chung cư là hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có thể cử đại diện hoặc uỷ quyền cho người khác tham dự hội nghị nhà chung cư. Ban quản trị chủ trì hội nghị nhà chung cư và báo cáo hội nghị nhà chung cư kết quả công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trong thời gian giữa hai kỳ hội nghị.

Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định tại quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28.5.2008 của bộ Xây dựng thì hội nghị chung cư lần đầu sẽ do chủ đầu tư (đối với nhà chung cư nhiều chủ sở hữu) hoặc chủ sở hữu (đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu) tổ chức trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại).

Trường hợp nhà chung cư không xác định được chủ đầu tư thì đơn vị đang quản lý nhà chung cư đó hoặc UBND cấp huyện có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Theo quy định trên thì UBND cấp phường không có trách nhiệm trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư. Do đó, người đại diện phường mà bạn đề cập không có trách nhiệm trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, trong việc quản lý vận hành nhà chung cư, UBND cấp phường vẫn có những trách nhiệm nhất định như: tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hiểu và chấp hành các quy định của quy chế này và pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư; theo dõi, kiểm tra và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND cấp quận xem xét, giải quyết; phối hợp với chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý nhà chung cư hoặc ban quản trị giải quyết các vấn đề liên quan bảo trì, quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư cung cấp các dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn; khen thưởng và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Điều kiện để tiến hành hội nghị chung cư là dựa vào số chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư tham dự hội nghị chứ không phải dựa trên số căn hộ của nhà chung cư đó. Cụ thể trong trường hợp tổ chức hội nghị cho một nhà chung cư thì số người tham dự phải có số lượng trên 50% tổng số chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức hội nghị cho một cụm nhà chung cư thì mỗi nhà chung cư phải cử đại biểu tham dự, số đại biểu tham dự của mỗi nhà chung cư phải có số lượng trên 10% số chủ sở hữu và người sử dụng của mỗi nhà chung cư đó. Như vậy, nếu không đủ số người tham dự theo quy định thì hội nghị không thể tổ chức được.

Hội nghị nhà chung cư được tổ chức thường niên, nhưng trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị bất thường khi có trên 50% tổng số các chủ sở hữu và người sử dụng đề nghị bằng văn bản hoặc khi ban quản trị đề nghị đồng thời có văn bản đề nghị của 30% chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.

Hội nghị nhà chung cư là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật. Hội nghị nhà chung cư quyết định các vấn đề sau: đề cử và bầu ban quản trị; đề cử và bầu bổ sung, bãi miễn thành viên ban quản trị trong trường hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường; thông qua hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động của ban quản trị; thông qua mức phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên ban quản trị và các chi phí hợp lý khác phục vụ cho hoạt động của ban quản trị; thông qua hoặc bổ sung, sửa đổi bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư theo quy định; thông qua việc lựa chọn doanh nghiệp quản lý vận hành, doanh nghiệp bảo trì nhà chung cư; thông qua báo cáo công tác quản lý vận hành, bảo trì và báo cáo tài chính của các đơn vị được giao thực hiện (đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì hội nghị nhà chung cư không nhất thiết phải thực hiện các nội dung này); quyết định những nội dung khác có liên quan đến việc quản lý sử dụng nhà chung cư.

(Theo SGTT)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME