HoREA: Cần có giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất nền Sài Gòn
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) kiến nghị Chính phủ cần chung tay cùng thành phố, sớm vào cuộc hạ nhiệt cơn sốt đất nền đang nóng tại các quận ngoại thành Sài Gòn.
Chủ tịch HoREA đánh giá thị trường địa ốc đang nằm trong chu kỳ tăng tưởng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro bên trong. Đặc biệt, cơn sốt đất nền tại Tp.HCM đang là một trong những vấn đề nóng của thị trường bất động sản (BĐS). Thậm chí, cơn sốt còn lan ra cả Đà Nẵng và Nha Trang.
Ông Châu cho biết, cơn sốt đất nền tại Tp.HCM nóng từ đầu năm đến nay, bắt nguồn từ các quận 9, Thủ Đức rồi lan đến Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh...
Ngoại thành Sài Gòn xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Ảnh: Báo Đất Việt |
Đáng nói, không phải đất của dự án mà chính là đất nền trong dân bị thổi giá. Các đầu nậu, cò môi giới đất là những người hưởng lợi nhiều nhất từ cơn sốt đất này. Họ cũng chính là người thổi giá qua các tin đồn, ăn theo các dự án lớn sắp triển khai.
HoREA kiến nghị UBND Tp.HCM cần sớm công bố rõ ràng thông tin như việc các huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn có lên quận hay không để dập tin đồn thổi giá của các cò đất. Bên cạnh đó, cần sớm thúc đẩy các dự án lớn của các doanh nghiệp như Tuần Châu, Vingroup… để công khai, minh bạch thông tin.
Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị các vấn đề khác tới Thủ tướng liên quan đến việc phát triển của thị trường BĐS. Cụ thể: Cho phép hạch toán bù trừ thu nhập của doanh nghiệp với thu nhập từ BĐS (quy định hiện nay chưa cho phép); đồng thời, cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản gắn liền với đất ở ngân hàng nước ngoài.
Các đầu nậu núp bóng chủ đất để giao dịch trái phép, ảnh hưởng tiêu cực
đến thị trường BĐS. Ảnh: Võ Văn
Ông Châu cho rằng, đất nước ngày hội nhập thì việc thế chấp tại các ngân hàng nước ngoài cần được cho phép. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu cùa nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam.
Theo ông Châu, rất nhiều Việt kiều cũng có nhu cầu thế chấp tài sản trên đất ở Việt Nam qua các ngân hàng nước ngoài. Việc cho phép sẽ thúc đẩy đầu tư từ người Việt Nam ở nước ngoài nhiều hơn.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi luật về đầu tư kinh doanh ngay trong 2017, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ việc hành nghề kinh doanh BĐS, bởi một số đầu nậu đang lợi dụng kẽ hở để hành nghề trái phép. Nhiều đầu nậu núp bóng chủ đất để giao dịch trái phép, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS.
Về thông tin Bộ tài chính kiến nghị thanh tra 60 dự án BĐS mới đây, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho phép các dự án này vẫn được triển khai nhằm đảm bảo thời gian bàn giao cho khách hàng. Trường hợp có vấn đề sau thanh tra, các doanh nghiệp phải nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Về giá đất nền tăng nóng, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho hay, UBND thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Liên quan đến thị trường BĐS và doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này, trong phần báo cáo của mình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng thị trường đang có quá nhiều doanh nghiệp thương mại, BĐS.
"Việc thu hồi đất tính giá chưa rõ ràng, quy hoạch cũng chưa rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tiếp cận vốn tín dụng cũng rất nhiêu khê", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo số liệu mà ông Dũng cung cấp, hiện có 16% doanh nghiệp chế biến chế tạo, còn lại chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, BĐS.
Liên quan đến việc hơn 60 dự án bị kiến nghị thanh tra, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dư luận vừa qua khá ồn ào. Thực tế, Bộ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, rà soát Nghị định 46, Nghị định 59, 189 về chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, có vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, văn bản báo cáo Chính phủ cũng có hai nội dung: Một là Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu sai phạm, giá đất không sát giá thị trường có nguy cơ thất thoát ngân sách. Hai là danh sách đó mang tính chất tham khảo.
Bên cạnh đó, các tỉnh được yêu cầu, kiến nghị tạm thời đình chỉ các dự án nhà cao tầng ở thành phố lớn khi chưa thực hiện đúng thẩm quyền sử dụng đất chưa qua đấu giá. Những dự án chưa đủ thủ tục, mắc sai phạm sẽ bị dừng.
Được biết, Thủ tướng có 2 văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, liên quan đến việc tạm dừng bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó, văn bản thứ hai là chuyển danh sách các cơ sở này chuyển cho Chính phủ tham khảo để thực hiện kế hoạch thanh tra.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet