Huế: Cưỡng chế hơn 2.000m2 nhà, đất trên đường Nguyễn Huệ
Sau khi thu hồi khu nhà đất số 28 (62 mới) Nguyễn Huệ, TP. Huế sẽ bàn giao khu đất này cho đơn vị thi công để xây trường mầm non Vĩnh Ninh.
Chiều 13/9, UBND TP. Huế sẽ tổ chức họp báo, thông tin vụ cưỡng chế, thu hồi hơn 2.000m2 đất tại số 62 đường Nguyễn Huệ (phường Vĩnh Ninh).
Theo thông tin từ lãnh đạo TP. Huế, việc cưỡng chế được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Được biết, hiện lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ tài sản của gia đình ông Sinh để trao trả khi họ yêu cầu.
Khu nhà, đất tọa lạc tại số 28 Nguyễn Huệ, trước đây thuộc chủ quyền của ông Nguyễn Hữu Bài (quan Thượng thư Bộ lại triều vua Đồng Khánh - uy Tân), có diện tích 2.114m2.
Năm 1935, ông Bài mất; năm 1955, bà Nhiệm (vợ ông) mất và để lại thừa kế cho các bà Nguyễn Hữu Thị Dương, Nguyễn Hữu Thị Tú, Nguyễn Hữu Thị Tài tiếp tục sử dụng. Đến năm 1972, 3 người nói trên lập văn tự giao nhà đất cho ông Đỗ Chính Thống quản lí sử dụng để cho thuê, thu hoa lợi.
Khi chính quyền cách mạng tiếp quản TP. Huế (tháng 3/1975), khu nhà đất này không ai ở vì nhà cửa đã sụp đổ do chiến tranh. Về sau, khu đất này được lần lượt giao cho xí nghiệp Cơ khí Thống Nhất, đại lí bán vé thuộc Sở GTVT quản lí, sử dụng đến năm 1990.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã ban hành QĐ số 695/QĐ-UB về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước “quản lí toàn bộ nhà đất cho thuê, cho mượn trong diện cải tạo XHCN khu nhà đất số 28 Nguyễn Huệ, TP. Huế.
Năm 1990, khi UBND tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định giao khu đất này cho Sở Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp làm trụ sở thì bất ngờ bị ông Nguyễn Sinh (trú số 12 kiệt 66 Nguyễn Huệ) đứng ra cản trở, làm đơn khiếu nại căn cứ theo đơn xin lại lô đất ngày 6/3/1993 của bà Nguyễn Hữu Thị Tài ủy quyền cho cháu là Nguyễn Sinh.
Căn cứ trên thực tế và các tài liệu liên quan, UBND tỉnh TT - Huế đã có quyết định không công nhận việc khiếu nại đòi lại khu nhà, đất nêu trên vì không có cơ sở để xem xét giải quyết. Kể từ đó đến nay, ông Nguyễn Sinh và gia đình đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đề nghị giải quyết.
Theo ông Sinh, quyết định số 695/QĐ-UB ngày 28/5/1979 của UBND Bình Trị Thiên là không đúng và không xác thực. Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/4/2002, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có công văn trả lời khẳng định: Quyết định 695/QĐ-UB là quyết định thật.
Sau khi thu hồi, khu đất được giao cho đơn vị thi công để xây trường mầm non Vĩnh Ninh |
Năm 2007, ông Nguyễn Sinh chiếm đoạt ngôi nhà đang được cơ quan nhà nước quản lý. UBND tỉnh và thành phố đã kiên trì thuyết phục vận động ông tự giác chấp hành quyết định của Nhà nước và đã hỗ trợ thêm 1 lô đất 2 mặt tiền, diện tích 175m2, tương đương giá trị 1,8 tỷ đồng nhưng gia đình ông không chấp thuận.
Sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có công văn số 1100/TTCT-VIV khẳng định rằng: Việc khiếu nại đòi quyền sử dụng nhà, đất 28 Nguyễn Huệ của ông Nguyễn Sinh là không có cơ sở để giải quyết… Ông Nguyễn Sinh không phải là con ruột của bà Nguyễn Hữu Thị Dương…đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Sinh chấm dứt khiếu nại.
Trong khi chính quyền địa phương tỉnh TT – Huế đang tiếp tục vận động gia đình ông Sinh giao trả đất lại cho Nhà nước, lên phương án cưỡng chế thu hồi thì vợ chồng ông đến trụ sở tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội đòi tự sát. Thanh tra Chính phủ đã phải chỉ đạo UBND TP. Huế tạm dừng cưỡng chế và đưa vợ chồng ông Sinh về Huế.
Năm 2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) với nội dung: Chấm dứt xem xét, giải quyết đối với vụ việc này. Nếu gia đình ông Nguyễn Sinh có khó khăn về chỗ ở thì đề nghị UBND tỉnh TT- Huế xem xét giải quyết hỗ trợ theo chính sách xã hội.
Trả lời báo chí, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Đăng Thạnh cho hay, từ thời điểm năm 2007 đến nay, lãnh đạo các cấp, địa phương đã nhiều lần gặp gỡ gia đình ông Sinh và vận động trả lại đất cho Nhà nước.
Theo ông Thạnh, việc cưỡng chế, thu hồi khu nhà, đất để xây dựng trường mầm non là hợp lí, đáp ứng nguyện vọng của bà con nhân dân và đảm bảo tính công bằng, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet