"Hụt hơi" quản lý chung cư tại Hà Nội
Ngày 11/7, trong phiên làm việc của kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội, việc quản lý đất nông, lâm trường, sử dụng đất, quản lý chung cư sao cho hiệu quả được nhiều đại biểu đặt ra. Điều đó đã nói lên một hiện trạng đang tồn tại: Hà Nội đang "hụt hơi" trong quản lý chung cư.
Đại biểu Nguyễn Văn Phong góp ý quy hoạch sử dụng đất Ảnh: Minh Tuấn |
Trước nhiều kiến nghị, bức xúc của cử tri về công tác quản lý chung cư, đề nghị chất vấn lãnh đạo thành phố, hôm qua, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi HĐND giải trình về vấn đề này.
UBND thành phố cho biết, hiện có tới 3 mô hình quản lý nhà chung cư, trong đó phổ biến nhất là chủ đầu tư quản lý trực tiếp, tiếp theo là mô hình do Ban Quản trị và Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà thực hiện.
UBND thành phố thừa nhận đang có nhiều bất cập trong cả 3 mô hình quản lý và một trong những nguyên nhân là nhiều quy định quản lý của Bộ Xây dựng chưa phù hợp.
Mô hình quản lý nhà chung cư chưa rõ, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban quản trị; khái niệm về sở hữu riêng, chung chưa rõ về phương pháp xác định.
Mâu thuẫn, khiếu kiện giữa chủ đầu tư với người dân bùng phát, trong khi cơ chế giải quyết chưa phù hợp, chủ đầu tư một số dự án thiếu trách niệm với quyền lợi của người mua nhà... Điển hình như tại khu căn hộ Keangnam, The Manor, khu nhà tái định cư Nam Trung Yên...
Nhằm khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố khẳng định sớm báo cáo Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý những vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư, vi phạm về cung cấp dịch vụ, đồng thời đề xuất mô hình quản lý chung cư, phương pháp xác định giá dịch vụ chung cư báo cáo UBND thành phố trong quý III-2012; điều chỉnh quy định giá trần dịch vụ chung cư cho phù hợp thực tiễn...
Đất nông, lâm trường thành khu dân cư
Góp ý Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (huyện Chương Mỹ) kiến nghị thành phố điều tra, khảo sát thực trạng quản lý sử dụng đất nông, lâm trường, trạm, trại vì đây là quỹ đất rất lớn trải qua nhiều năm chưa được quan tâm quản lý.
“Do thiếu quản lý nên nhiều nơi đất nông, lâm trường đã bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép”, bà Tuyến nói.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định thực trạng mà đại biểu Tuyến nêu là đúng và đây cũng là vấn đề sẽ được thành phố tăng cường quản lý thời gian tới.
“Thực trạng quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, trạm, trại đang rất nhức nhối, vi phạm xảy ra nhiều nơi. Thậm chí có trường hợp biến cả đất nông, lâm trường thành khu dân cư”, ông Khanh nói.
Theo bà Tuyến, quy hoạch sử dụng đất cần tính toán kỹ đến nhu cầu đất giãn dân khu dân cư ngoại thành. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) đề nghị thành phố cân nhắc khi cắt tới 22.000 ha đất trồng lúa để thực hiện phát triển đô thị và khu công nghiệp.
Ông Nam dẫn chứng hàng loạt khu đô thị, công nghiệp lấy đất rồi bỏ hoang, sử dụng rất lãng phí. “Chỉ nên lấy đất bạc màu, đất cằn, đất đồi núi làm khu công nghiệp. Từng có những khu đất lúa màu mỡ năng suất cao bị lấy làm khu công nghiệp do lợi ích nhóm”, ông Nam nói.
Ông Khanh cho rằng, việc sử dụng đất lúa làm khu công nghiệp, xây dựng đô thị nằm trong chỉ tiêu mà Chính phủ giao và đã được tính toán ky.
(Theo TPO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet