KĐT Định Công (Hà Nội): Bao giờ cuộc sống người dân hết “treo”
Hiện nay, theo phản ánh của các hộ dân thuộc tổ dân phố số 22 (phường Định Công, quận Hoàng Mai), mặc dù người dân đang sinh sống trên chính mảnh đất của mình nhưng hơn 10 năm qua cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn vì dự án “treo” tại KĐT Định Công.
Bức bách quá hóa liều
Có mặt tại tổ 22, phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chúng tôi chứng kiến sự đối nghịch đáng buồn đó là bên cạnh những ngôi nhà lộng lẫy, đẹp đẽ, sang trọng thuộc Khu đô thị (KĐT) mới Định Công là những ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều gia đình phải chống dột, che mưa, nắng, bụi bằng những tấm vải bạt, ni lông trên mái nhà, ngoài hiên trông rất nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan của cả KĐT Định Công.Không những thế, đường vào các ngõ ngách của tổ 22 cũng đã bị xuống cấp nhưng không được đầu tư nâng cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người dân trú tại khu vực bức xúc: Chẳng riêng gì đường sá, cơ sở hạ tầng khu vực bị xuống cấp mà ngay cả ngôi nhà cấp bốn của gia đình tôi đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể xin được giấy phép xây dựng lại chỉ vì chúng tôi sinh sống nằm trong khu vực dự án KĐT Định Công.
Cảnh sống tạm bợ của người dân vì dự án “treo”. |
Muốn chỉnh trang, cải tạo lại căn nhà cho đỡ dột nát thì người dân đều nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng do liên quan tới dự án nên không thể cấp phép được. Cùng chung tâm trạng, ông Lê Xuân Vấn cho biết thêm: Do quá bức bách về chỗ ở, nơi sinh hoạt cho nên năm ngoái gia đình tôi đánh liều xây dựng lại ngôi nhà đã bị dột nát, xuống cấp.
Vừa phá dỡ nhà cũ xong, chuẩn bị đổ móng xây dựng nhà mới thì thanh tra xây dựng phường đến lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng, yêu cầu gia đình dừng thi công. Sau đó, rất “vất vả” gia đình tôi mới hoàn thiện được ngôi nhà nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, để có nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày người dân sống tại khu vực phải “gõ cửa” khắp nơi, rồi tự bỏ tiền, trực tiếp liên hệ với công ty nước sạch để được lắp đặt đường ống dẫn nước.
Phớt lờ quyền lợi người dân
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 56 hộ dân thuộc tổ 22, phường Định Công đã được chính quyền địa phương giao đất giãn dân từ năm 1986 và đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để làm nhà ở, hiện vẫn đang sinh sống ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện gì. Ngày 27/8/1996, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2819/QĐ-UB về việc thu hồi đất để xây dựng khu tập trung tại xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) giao cho Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư.Theo đó, toàn bộ 56 hộ dân thuộc tổ 22 nằm gọn trong ô quy hoạch A1/CCKV2 dùng để bố trí bãi đỗ xe (có ký hiệu DX2) và lô đất ký hiệu KS, có diện tích 6.038m2, nhằm bố trí khách sạn và tạo cảnh quan chung cho khu vực. Thông thường, sau khi có quyết định của TP. Hà Nội, phía chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND quận Hoàng Mai tiến hành kê khai, đo đạc, kiểm đếm từng hộ liên quan, sau đó công khai hồ sơ, phương án đền bù, GPMB.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay đã 16 năm trôi qua, người dân tổ dân phố 22, phường Định Công không hề nhận được thông báo cũng như phương án hỗ trợ, bồi thường, đền bù GPMB nào từ phía chính quyền địa phương cũng như phía chủ đầu tư khiến người dân đi không được, ở cũng không xong.
Mới đây, trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thắng, cán bộ Thanh tra xây dựng phường Định Công cho biết: Mặc dù rất thông cảm với nỗi khổ của người dân, song để người dân xây dựng nhà cửa trên đất đã bị thu hồi thì lại sai quy định và thanh tra xây dựng phường không hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, nhiều lúc cán bộ thanh tra xây dựng phường phải kiểm tra sát sao để kịp thời ngăn cản người dân xây dựng trên đất đã quy hoạch.
Ông Giang Chí Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết thêm: Trước những bức xúc của người dân, UBND quận đã nhiều lần có công văn gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị được điều chỉnh chức năng sử dụng đất ô A1/CCKV2, thuộc KĐT Định Công từ đất công cộng khu vực sang đất ở, cải tạo chỉnh trang. Ngày 14/9/2010, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 4604/VP-XD chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai tổ chức kiểm tra, xác định nguồn gốc đất, các văn bản pháp lý về nhà, đất... để có cơ sở giải quyết.
Tiếp đến, ngày 24/8/2011, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 7091/UBND-GT giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, xem xét đề nghị điều chỉnh của quận Hoàng Mai và báo cáo UBND thành phố Hà Nội trong tháng 9/2011. Thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn chỉ dừng lại trên văn bản, giấy tờ còn người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
(Theo SK&ĐS)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet