Khách hàng hoa mắt trước "ma trận" thị trường sơn xây dựng
Không chỉ lạc vào "ma trận" về thương hiệu, mẫu mã của các hãng sơn nội và ngoại, khách hàng hiện còn rất khó phân biệt tính thật giả của các loại sơn.
Dù sơn lại nhà chưa được 1 năm, nhưng tường nhà anh Hóa tại quận Gò Vấp (Tp.HCM) đã bị ngả màu, bong tróc. Để chuẩn bị sơn sửa lại nhà, anh Hóa đang tích cực tìm hiểu tại các đại lý sơn.
Anh Hóa cho hay, đi qua những cửa hàng sơn tại Tp.HCM, anh không khỏi hoa mắt bởi màu sắc và những thương hiệu trên những thùng sơn xếp chồng đống.
“Vào cửa hàng để chọn sơn như bị lạc vào ma trận, từ màu sắc cho đến thương hiệu, chất lượng rồi giá cả. Dòng sơn nào, hãng sơn nào cũng đều được chủ cửa hàng giới thiệu là tốt, đặc biệt là giá nào cũng có. Tuy nhiên, tôi thấy dòng sơn Dulux được quảng cáo rộng rãi với nhiều tính năng ưu việt, độ bền cao, đảm bảo sức khỏe người sử dụng…, nên đã quyết định chọn mua mà không một chút đắn đo. Thế nhưng, không ngờ lại dính hàng giả”, anh Hóa tâm sự.
Chị Trúc tại quận Bình Tân cũng rơi vào cảnh tương tự. Chị Trúc cho biết, lúc đăng tin trên mạng về việc cần sơn lại nhà, rất nhiều người đã vào tư vấn và nhận thi công. Mỗi người đưa ra một mức giá khác nhau và tư vấn theo hướng khác nhau.
Thị trường sơn hiện rất đa dạng khiến người mua khó phân biệt thật giả |
“Người thì khuyên nên dùng sơn Kova, người lại bảo xài Jotun hoặc Spec tốt hơn vì nổi tiếng. Còn có người lại giới thiệu những hãng sơn nghe rất lạ như Mitsutex, Sunvic, Skey paint, Kansai paint… Cuối cùng, tôi chọn cách làm của một nhà thầu là bên ngoài dùng sơn Kova, bên trong dùng sơn Dulux. Nhân công và vật tư do nhà thầu lo hết, tôi chỉ việc trả tiền 60.000 đồng/m2. Tuy nhiên, mới chỉ qua một mùa mưa, tường nhà tôi đã bị phai màu và bị nấm, mốc”, chị Trúc nói.
Tình trạng khách hàng mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không phải là hiếm. Bởi không phải ai cũng biết cách phân biệt sơn thật, sơn nhái, sơn kém chất lượng. Khách hàng chỉ có thể phát hiện ra sơn giả sau khi sử dụng ít nhất 3-6 tháng.
Là thợ sơn có nhiều kinh nghiệm, anh Võ Hoàng Tín (quận 9, Tp.HCM) cho hay, người không am hiểu nhiều về sơn nước sẽ rất khó nhận ra sơn giả khi chỉ nhìn bằng mắt thường. Còn những thợ thạo nghề chỉ cần nhìn, ngửi mùi, cân trọng lượng cũng có thể đánh giá đúng đến 80% là sơn thật hay giả.
Anh Tín nhấn mạnh, khi thi công là lúc dễ dàng nhận biết sơn thật hay giả nhất. Nếu là sơn giả, con lăn sẽ chạy nhanh và nhẹ hơn bởi độ kết dính thấp.
Là chủ một cửa hàng sơn tại quận Bình Thạnh, anh Nguyễn Văn Tài chia sẻ, vẫn có những dấu hiệu để phân biệt sơn thật, sơn giả dù hàng giả làm tinh vi đến thế nào. Cách phân biệt thông thường là so sánh bao bì và thùng sơn. Bao bì sơn giả thường bị nhòe, không sắc nét, vỏ thùng giòn và dễ vỡ. Sơn giả cũng nặng hơn do chứa nhiều bột đá, nắp thùng khó mở hơn. Sơn giả khi quết ra đầu ngón tay sẽ có cảm giác gợn.
Không chỉ “móc ví” người tiêu dùng, sơn giả còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của các hãng sơn. Đại diện hãng sơn Kova cho biết, lãnh đạo Công ty cùng với các cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái bên cạnh việc đưa ra mẫu tem chống hàng giả khó làm nhái nhất. Công ty cũng thường xuyên phổ biến việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái với các nhà phân phối.
Về mặt pháp lý, theo luật sư Trần Minh Dương (Đoàn Luật sư Tp.HCM), luật pháp chưa nghiêm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sơn giả tràn lan trên thị trường. Khi phát hiện một cửa hàng buôn bán hàng giả, cửa hàng đó chỉ bị tịch thu sản phẩm và xử phạt tối đa 20 triệu đồng.
So với lợi nhuận thu được, số tiền phạt này là quá nhỏ. Chính vì vậy, nhiều cơ sở vẫn tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet