Vì trời nắng nóng nên tôi xin UBND phường 19, Q.Bình Thạnh làm mái vòm trên sân thượng che nắng. Nhưng UBND phường nói là không được phép vì đã vi phạm vào trường hợp cơi nới, nếu muốn làm thì phải được sự đồng ý của hộ dưới. Nhưng hộ dưới không đồng ý.

Như vậy, tôi phải làm như thế nào để có thể làm mái vòm hoặc có thể làm giàn trồng hoa (dây leo) được không? Làm giàn có vi phạm việc cơi nới không? Tuan Nguyen ([email protected])


Trả lời

- Về việc xin phép xây dựng làm mái che trên sân thượng

Theo thư trình bày, căn nhà của ông/bà thuộc lầu 1, tầng trệt thuộc sở hữu của người khác, mái nhà là mái bêtông cốt thép, phía trên là sân thượng có lan can cao 0,8m.

Căn cứ điểm g khoản 1 điều 4 Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010 của UBND Tp.HCM, đối với việc sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong căn nhà mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình; hay việc nâng nền, nâng gác, nâng mái phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng; hay việc xây dựng lại tường bao che bị hư hỏng theo nguyên trạng, gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt không làm thay đổi quy mô diện tích, không làm ảnh hưởng đến kết cấu thì không phải xin phép xây dựng.

Do đó, việc làm mái che trên sân thượng không thuộc trường hợp không có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.

Vì vậy, trước khi khởi công làm mái che trên sân thượng, ông/bà phải xin giấy phép xây dựng tại UBND quận Bình Thạnh, nơi đây sẽ xem xét giải quyết việc cấp phép cho ông/bà hay không theo quy định của pháp luật.

Theo thư trình bày, trước đây ông/bà xin phường để làm mái vòm trên sân thượng là không đúng thẩm quyền, vì việc xem xét có cấp phép xây dựng cho ông/bà hay không là thuộc thẩm quyền của UBND quận Bình Thạnh (căn cứ Điều 17 Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010).

- Về việc hỏi ý kiến của người sở hữu ở tầng trệt khi xin phép xây dựng tại sân thượng

Để giải quyết vấn đề trên, ông/bà cần xác định phần diện tích thuộc sân thượng có thuộc sở hữu của ông/ bà hay không, bằng cách xem trên giấy chứng nhận chủ quyền, ông/ bà có được công nhận phần diện tích sân thượng hoặc khi mua hóa giá, ông/ bà có đóng tiền mua nhà cho phần diện tích này hay không.

Nếu phần diện tích thuộc sân thượng được công nhận là phần sở hữu riêng cho ông/bà, thì khi xin giấy phép xây dựng ông/bà không cần phải có ý kiến chấp nhận của chủ sở hữu tầng trệt, ngược lại, nếu diện tích sân thượng là sở hữu chung của hai căn hộ thì ông/ bà phải có ý kiến đồng ý của người chủ sở hữu tầng trệt (căn cứ điều 225 Bộ Luật dân sự).

- Về việc ông bà muốn làm giàn hoa dây leo trên sân thượng

Theo thư trình bày, mục đích của việc làm giàn hoa dây leo trên sân thượng là để làm giảm bớt sức nóng trực tiếp từ sân thượng xuống căn nhà.

Với trường hợp này, Quyết định 68/2008/NĐ-CP ngày 14/9/2010 của UBND Tp.HCM không quy định cụ thể về vấn đề này có thuộc trường hợp phải xin phép hay miễn xin giấy phép xây dựng.

Nhưng theo ý kiến riêng và kinh nghiệm của luật sư, chúng tôi nhận thấy rằng nếu ông/bà làm giàn dây leo bằng dây kẽm thì việc này không làm ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà, nên không thuộc trường hợp phải xin phép. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy ông/bà trồng cây loại dây leo để chống nắng là chưa thật sự hiệu quả, vì hiện nay trên thị trường có loại lưới che cho giàn hoa lan giảm được ánh nắng rất tốt, ông/ bà có thể sử dụng loại lưới này để làm giảm bớt ánh nắng cho ngôi nhà của mình. Đây chỉ là gợi ý của chúng tôi, ông/ bà có thể tham khảo thêm ý kiến của các nhà chuyên môn về xây dựng cho việc dùng loại vật liệu nào phù hợp nhất trong trường hợp của ông/bà.


Luật sư Phạm Đình Sơn
(Theo TTO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME