Không xóa nợ thuế cho các trường hợp kinh doanh BĐS
Chiều 16/10, Chính phủ đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, không phải đề xuất nào của Chính phủ liên quan đến chính sách thuế cũng được cơ quan thẩm tra chấp nhận...
Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa một số khoản nợ thuế như xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế hoặc tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007 đến ngày 1/7/2013.
Đề xuất này bao gồm cả tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp của các khoản thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất do thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài hoặc do cơ quan quản lý nhà nước chậm xác định nghĩa vụ thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất mà doanh nghiệp phải nộp của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan, đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.
Các khoản nợ tiền chậm nộp, tiền thuế, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách cổ phần hóa, sáp nhập, giao, bán, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có số nợ thuế bằng hoặc lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm thực hiện chuyển đổi cũng được đề nghị xóa.
Theo đề nghị của Chính phủ, đối tượng được xóa là doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan bao gồm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, hàng hoá được thanh toán bằng vốn Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán vì vậy không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến việc phát sinh tiền phạt chậm nộp.
Thứ hai là đối tác thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế nên người nộp thuế bị tồn kho hàng hóa và phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao khiến phát sinh các khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện xong cổ phần hóa, khoán, giao, bán hay sắp xếp lại, thì Chính phủ đề xuất đối tượng được xem xét xóa nợ là doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu hoặc sắp xếp lại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà nợ thuế được xóa khi doanh nghiệp có số nợ thuế bằng hoặc lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp tại thời điểm thực hiện sắp xếp, chuyển đổi lại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, chính sách thuế phải ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn, chứ cứ thay đổi liên tục là không ổn |
Đối với doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện xong cổ phần hóa, sắp xếp lại, giao bán thì gồm doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới hoặc cổ phần hóa không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền phạt, tiền thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007.
Doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31/12/2015 còn nợ tiền phạt, tiền thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007.
Với những đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị không xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp kinh doanh BĐS, các khoản thu từ đất và khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản. Bởi đây là những khoản tiền nợ liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoảng sản là tài sản quốc gia.
Trong cơ quan thẩm tra, cũng có ý kiến không đồng ý xóa tiền chậm nộp thuế, tiền phạt chậm nộp thuế đối với đối tượng là đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này. Vì trong kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp phải thực hiện cạnh tranh bình đẳng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Hiển cũng dẫn ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về xóa tiền chậm nộp, nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp đối với doanh nghiệp nhà nước đã hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới hoặc thực hiện cổ phần hóa không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền phạt, tiền thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007 là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì nguyên tắc khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu là công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm về các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
Thảo luận chung về dự thảo luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình cần rút kinh nghiệm, bởi chính sách thuế phải ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn, chứ cứ thay đổi liên tục như thế này là không ổn.
Được biết, dự án luật sửa cùng lúc ba luật liên quan đến thuế này dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10/2015.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet