Kiểm soát "bong bóng" nhà đất, Quảng Bình sẽ siết vốn vay vào BĐS
Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, trước tình trạng đất nền vùng trung tâm và vùng ven tỉnh Quảng Bình tăng giá chóng mặt, dễ dẫn đến “bong bóng” bất động sản (BĐS) như hiện nay, Ngân hàng cần phải chủ động tăng lãi suất đối với các khoản vay BĐS; Sở Xây dựng Quảng Bình cũng sẽ công khai quy hoạch để người dân hiểu rõ dự án, hạn chế tình trạng cò đất "thổi giá".
Theo ghi nhận, giá đất nền tại Quảng Bình có dấu hiệu tăng trưởng nhanh trong 3 năm gần đây, cụ thể từ 10 - 15% hàng năm. Nhất là thời điểm cuối năm 2018, giá đất nền tăng đột biến lên 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân giá đất tăng chóng mặt được xác định chủ yếu là do các trung tâm môi giới nhà đất cộng với các cò đất thổi giá để tạo giá ảo, còn người dân thì ham lợi đổ tiền vào để kiếm lợi nhuận chênh lệch. Thực trạng này đang đẩy người thu nhập thấp vào cảnh không mua được nhà ở do giá quá cao.
Thực tế, với đối tượng là công chức, viên chức Nhà nước, thì phải sau quá trình lao động tích lũy dài hạn, vay mượn thêm bên ngoài mới có được khoản tiền từ 600 - 800 triệu để mua được một lô đất, rồi lại chắt bóp tiếp để làm nhà. Trước bối cảnh giá đất tại địa phương biến động tăng từng ngày từng giờ như hiện nay, những người trẻ rất khó có thể mua được đất và xây nhà ở. Trong khi đó, các đối tượng lao động khác ngoài xã hội hầu hết đều có thu nhập trung bình, khi có nhu cầu về nhà ở thì cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Giá đất nền tại Quảng Bình có dấu hiệu tăng trưởng nhanh trong 3 năm gần đây
Ông Võ Văn Tuần - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng Quảng Bình cho rằng, để kiểm soát tình trạng đẩy giá đất nền lên cao của các trung tâm môi giới, Ngân hàng cần chủ động tăng lãi suất đối với các khoản vay đổ vào BĐS. Sở Xây dựng Quảng Bình cũng sẽ phối hợp với các sở ngành khác công khai quy hoạch để người dân hiểu rõ dự án và hạn chế tình trạng cò đất thổi giá. Đồng thời, Nhà nước sẽ phải tung ra nhiều sản phẩm BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau để người dân dễ tiếp cận hơn.
Về lo ngại thị trường sẽ lặp lại kịch bản đổ vỡ 10 năm trước, ông Tuần cho hay, chu kỳ thông thường từ 7-10 năm, nhưng còn phải xem những tác động đến từ quy hoạch, hạ tầng, chính sách vĩ mô có ưu tiên phát triển đến phân khúc đó hay không. Nếu xảy ra "bong bóng" thì thị trường chỉ vỡ khi nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, không có giao dịch thì mới là "bong bóng". Tại các thời điểm khác nhau, tính thanh khoản của đất nền đã khác, có thể lên xuống rất nhanh. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần xác định tâm thế hoặc rút rất nhanh, nếu không rút được phải chờ đến chu kỳ sau.
Chính quyền cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, các nhà môi giới không chuyên nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, gom hàng đẩy giá đất. Các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản cần được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề. Song, vấn đề quan trọng hiện nay là mặc dù Nghị định 139 mới được ban hành nhưng công tác quản lý Nhà nước chưa thực sự mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet