Nhiều dự án hiện nay hoàn thành giải phóng mặt bằng là xem như xong nhiệm vụ. Không ít trường hợp sau khi bị thu hồi đất, người dân chỉ còn sót lại một phần nhỏ lẻ, "đầu thừa đuôi thẹo" không thể sử dụng. Đa số người dân Nhà Bè đồng ý giao hết diện tích đất ít ỏi còn sót lại sau khi giải tỏa cho Nhà nước.

Đất dôi dư sử dụng không được, giao không xong

Theo UBND huyện Nhà Bè, trong các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện đều có những trường hợp bị thu hồi gần hết đất nông nghiệp. Có một số người dân bị giải tỏa tới 90% diện tích miếng đất đang sử dụng, phần còn lại chỉ được từ 8m2 đến dưới 500m2. Với diện tích này, người dân không thể tiếp tục canh tác, nhiều trường hợp cũng không thể chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để xây nhà.

Chẳng hạn, dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Long Kiểng, xã Nhơn Đức có hai hộ bị giải tỏa gần hết, chỉ còn vỏn vẹn 24,3m2. Dự án xây dựng cầu Kênh Lộ có ba hộ còn sót lại tổng cộng khoảng 300m2 đất nông nghiệp, đành bỏ hoang vì không thể canh tác. Những mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo kiểu này cứ thế xuất hiện ngày càng nhiều. Do không thể dùng được vào việc gì nên các chủ đất mong muốn được giải tỏa luôn để nhận thêm tiền bồi thường, hỗ trợ. Nhưng mong ước đó lâu nay khó được đáp ứng vì diện tích đất nằm ngoài ranh dự án.

thu hồi đất
Nếu chủ trương thu hồi đất nhỏ lẻ còn sót lại sau khi dự án thực hiện giải tỏa được chấp thuận, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được giải quyết căn cơ.


Dân muốn giải tỏa luôn đất dôi dư

Để giải quyết bất cập này, huyện Nhà Bè lên danh sách những dự án xảy ra tình trạng trên, thống kê cụ thể từng trường hợp có diện tích đất nhỏ lẻ còn sót lại nằm ngoài ranh. Sau đó, huyện kiến nghị Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và Hội đồng Thẩm định bồi thường TP chấp thuận bồi thường, hỗ trợ cho phần diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ còn sót lại sau khi thu hồi đất với giá tương tự như diện tích đất bị thu hồi trong dự án.

“Qua khảo sát, đa số người dân đồng ý giao hết diện tích đất còn sót lại, nằm ngoài ranh dự án cho Nhà nước”, huyện này thông tin. Hiện có sáu dự án với 71 hộ được huyện Nhà Bè lên danh sách, kiến nghị cho bồi thường, hỗ trợ phần đất nông nghiệp nhỏ lẻ (từ vài chục đến vài trăm mét vuông) còn sót lại. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp này trên dưới 11 tỷ đồng.

“Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến cả khu đất của người dân, phân chia đất người dân ra nhiều mảnh nhỏ làm cho họ không khai thác hết công dụng của đất. Người dân bị thiệt hại về kinh tế do đất có diện tích nhỏ, khó giữ gìn, cải tạo hay phát triển thêm”, UBND huyện Nhà Bè nhận xét trong báo cáo gửi các sở, ngành.

Bồi thường xong giao huyện quản lý

Đề xuất của huyện Nhà Bè được Hội đồng Thẩm định bồi thường TP đồng tình và đề xuất TP cho phép huyện được thực hiện. Tuy nhiên, hội đồng lưu ý điều kiện áp dụng là mảnh đất nông nghiệp nhỏ lẻ còn sót lại phải thuộc hành lang sông rạch, lộ giới, quy hoạch công trình công cộng…, không được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Hội đồng yêu cầu huyện Nhà Bè sau khi thu hồi phần đất trên phải có trách nhiệm quản lý, không được để người dân lấn chiếm. Huyện cũng phải báo cáo TP về tổng diện tích đất ngoài ranh được thu hồi và phương án quản lý, sử dụng.

Sau khi được TP chỉ đạo làm rõ một số nội dung, mới đây tổ chuyên viên của Hội đồng Thẩm định bồi thường thống nhất đề xuất TP cho phép huyện Nhà Bè thực hiện chủ trương trên. Theo đó, người dân nếu muốn giao hết phần đất còn lại cho Nhà nước phải làm đơn yêu cầu. Sau đó, UBND cấp xã có ý kiến xác nhận cũng như đưa ra đề nghị. UBND huyện Nhà Bè ban hành quyết định thu hồi đất bổ sung và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với phần diện tích này.

Tổ chuyên viên đề xuất, về đơn giá bồi thường, phần diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài ranh dự án nào thì được bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá được duyệt của dự án đó. “Về nguồn kinh phí thì được phép sử dụng nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án”.

Đất thu hồi sẽ làm công trình công cộng

Đây không phải là lần đầu tiên huyện thực hiện bồi thường, giải tỏa cho phần đất nhỏ lẻ còn lại nằm ngoài ranh dự án mà người dân không thể tiếp tục sử dụng, kể cả đất nông nghiệp hay đất ở. Đất này nếu không giải quyết rốt ráo bằng việc thu hồi luôn cho người dân thì họ rất thiệt thòi. Những phần đất nhỏ lẻ sau khi thu hồi được huyện bố trí làm đường giao thông hay công viên nhỏ, nói chung là công trình công cộng.

Khó khăn lớn nhất của công tác này là kinh phí bồi thường của chủ đầu tư sẽ đội lên. Tuy nhiên, trước nay huyện cũng chưa gặp trường hợp chủ đầu tư nào phản ứng không đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Trường
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

Với những mảnh đất nhỏ lẻ sót lại ngoài ranh dự án, quận Gò Vấp cũng có nhiều phương án giải quyết. Chẳng hạn cho người dân hợp khối, chuyển nhượng cho người lân cận để tạo thửa đất đủ chuẩn hoặc nếu có nhu cầu giao cho Nhà nước thì quận thu hồi. Nói chung thực hiện không quá khó khăn vì chủ yếu các dự án sử dụng vốn ngân sách. Trường hợp chủ đầu tư là tư nhân thì quận chưa gặp nhưng tôi nghĩ họ cũng đồng ý.

Ông Lê Hoàng Hà
Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME