Doanh nghiệp tay ngang ồ ạt lấn sân BĐS

Ngày 19/6, tại Hà Nội, dự án BĐS thứ hai mang thương hiệu The Emerald của Vimefulland, trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex chính thức được chào bán ra thị trường.

Dự án The Emerald có tổng diện tích hơn 19.000m2 nằm ở vị trí CT8 - Mỹ Đình được đơn vị này kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá trên thị trường khi sở hữu vị trí đắc địa ngay trong Khu đô thị The Manor. Vimefulland cũng cho biết, đơn vị sẽ kết hợp nghiên cứu với nhiều chuyên gia y tế để xây dựng bộ quy chuẩn ứng dụng các tiêu chuẩn về chăm sóc sức khỏe và y tế cho cư dân.

Tháng 11/2016, tập đoàn dược phẩm này đồng thời ra mắt dự án shophouse Belleville Hà Nội và thương hiệu Vimefulland. Dự án có tổng diện tích là 15.716m2 nằm tại vị trí B4 Nam Trung Yên, bao gồm 66 căn shophouse 5 tầng nổi với mật độ xây dựng 50%.

đầu tư bất động sản
Licogi 13 đang có dấu hiệu hụt hơi khi lấn sân sang BĐS. Ảnh: Dũng Minh

Giống như The Emerald, với việc kết hợp đầy đủ các tiện ích văn hóa giáo dục, y tế và thương mại của đô thị phía Tây Thủ đô, Belleville Hà Nội cũng được Vimedimex kỳ vọng tạo ra sự đột phá về chất lượng hoạt động kinh doanh nhà ở tại Việt Nam.

Một tay ngang khác trên thị trường BĐS gần đây là T&T Group với dự án T&T Riverview, có quy mô hơn 600 căn hộ tại Vĩnh Hưng, Hà Nội.

Tập đoàn T&T hoạt động chính trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính, nhưng được nhiều người biết đến nhờ là đơn vị tài trợ cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T.

Hiện tập đoàn T&T là cổ đông lớn của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Cảng Quảng Ninh và nhiều định chế tài chính lớn như Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), …

Tuy nhiên, trong lĩnh vực BĐS, T&T Group gần như hoàn toàn mới lạ với người mua nhà. Nhưng từ sau khi ra mắt T&T Riverside, T&T đã xác định rằng bên cạnh lĩnh vực tài chính và công nghiệp, BĐS là một trong những trụ cột kinh doanh của tập đoàn.

Do đó, T&T Group đã "âm thầm" tích luỹ quỹ đất tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM nhằm thực hiện mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.

Tương tự, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, giao thông, vận tải, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) mới đây cũng công bố với cổ đông chiến lược ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực BĐS trong năm nay.

Lãnh đạo DLG cho biết, công ty sẽ hướng tới phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch ven biển và phân khúc căn hộ, trung tâm thương mại, văn phòng, nhà thu nhập thấp tại Tp.HCM.

Tại Tp.HCM, DLG đầu tư 5 dự án BĐS thuộc phân khúc trung bình khá. Hiện, DLG đã khởi công 3 dự án là Đức Long Westernpark (quận Bình Tân), Đức Long New Land (quận 8) và Đức Long Golden Land (quận 7) với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, tổng quy mô là 2.500 căn hộ.

Ngoài ra, một loạt cái tên lấn sân sang lĩnh vực BĐS thời gian qua có thể kể đến như Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn, Công ty CP Tập đoàn Đầu Tư I.P.A, Công ty CP Xây dựng Coteccons, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi), Công ty CP Tasco, Công ty Thủy sản Hùng Vương…

Đầu tư BĐS không dễ thành công

Lãnh đạo một tập đoàn BĐS lớn tại khu vực phía Nam cho biết, sức hấp dẫn của thị trường BĐS trong thời gian gần đây đã kích thích nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rót tiền vào lĩnh vực này, kể cả những doanh nghiệp tay ngang. Tuy nhiên, đầu tư BĐS không dễ thành công. Việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào BĐS sẽ khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Vị này chia sẻ: "Việc đầu tư mới không chỉ quan trọng về vốn, mà còn cần có tầm nhìn và cách thức đầu tư phù hợp, đánh đúng nhóm khách hàng mục tiêu mới đảm bảo thanh khoản tốt khi bắt đầu mở bán.

Có những doanh nghiệp mới tham gia nhưng đã nghiên cứu rất kỹ trước khi gia nhập nên khả năng thành công cao hơn. Tuy nhiên, khi thị trường đang nóng, những doanh nghiệp tay ngang theo thời vụ rất dễ gặp thất bại. Bài học nhãn tiền cách đây vài năm khi thị trường nóng sốt là điều cần lưu ý đối với các doanh nghiệp ngoài ngành".

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Trần Ngọc Quang cho rằng, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nên nếu bản thân chưa đủ tiềm lực tài chính, để tránh "tiền mất, tật mang", cần cân nhắc kỹ trước khi gia nhập thị trường. Nếu có thể nên hợp tác với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm để tích lũy dần kinh nghiệm, trước khi chính thức ra mắt thương hiệu riêng.

Theo ghi nhận của phóng viên, vừa qua, sau một thời gian lấn sân sang BĐS, nhiều doanh nghiệp do chưa đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm nên đã có dấu hiệu "hụt hơi". Điển hình là trường hợp của Công ty CP Licogi 13.

Với tham vọng tăng doanh thu ở mảng BĐS, Licogi 13 đã tiến hành hàng loạt thương vụ M&A, thâu tóm quỹ đất để triển khai hoặc hợp tác phát triển dự án. Tuy nhiên, việc đầu tư quá ồ ạt vào BĐS mà "quên" đi hoạt động kinh doanh cốt lõi, đã khiến Ligcogi 13 thụt lùi về kết quả kinh doanh.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý I/2017 của Licogi 13 đã cho thấy doanh thu quý I/2017 chỉ đạt hơn 134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng, giảm mạnh 43% và 66% so với cùng kỳ.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2017, với 1.859 doanh nghiệp, kinh doanh BĐS là lĩnh vực dẫn đầu số lượng thành lập mới, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2016; thứ 2 là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 1.553 doanh nghiệp, tăng 38,9%; thứ 3 là giáo dục và đào tạo với 1.304 doanh nghiệp mới, tăng 31,3%...

Tính chung cả nước, 5 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới là 50.534 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 485.634 tỷ đồng, tăng 39,0% về số vốn đăng ký và tăng 13,0% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, cũng có 12.884 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 13.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 19.264 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể...

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME