Làn sóng căn hộ "chuẩn Nhật" lan rộng khắp Sài Gòn
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật đổ vốn tham gia phát triển dự án tại các trục đô thị từ khu Nam, khu Đông đến khu Tây Tp.HCM.
Theo khảo sát của phóng viên, khắp thị trường bất động sản Sài Gòn đều có dòng vốn của nhà đầu tư Nhật, từ các quận 2, 7, 8, 9 đến khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh.
Thị trường địa ốc Sài Gòn cũng chứng kiến sự đổ bộ của hàng chục tên tuổi là những doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tập đoàn Nhật Bản có tiềm lực tài chính mạnh và bề dày lịch sử trong mọi ngành nghề. Sự hợp tác Việt - Nhật đã khiến nhà ở "chuẩn Nhật" trở thành làn sóng mạnh mẽ chưa từng có tại Tp.HCM.
Cụ thể, tại khu vực phía Nam, bộ tam Daiwa House - Nomura - Sumitomo đã chọn khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 làm miền đất hứa. Ba tập đoàn đa ngành lớn này đã cùng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng phát triển dự án Midtown với quy mô 2.500 căn hộ.
Đây cũng là lần đầu tiên "ông lớn" ngành địa ốc phía Nam Tp.HCM mở cửa đón dòng vốn Nhật sau 2 thập niên một mình một cõi. Đây là dự án tốn kém nhất năm 2017 (đầu tư lớn cho tiện ích, cảnh quan) theo đánh giá của lãnh đạo Phú Mỹ Hưng. Trong hai giai đoạn đầu mở bán, dự án đã khá thành công khi tiêu thụ được 600 căn và dự kiến giai đoạn ba sẽ được mở bán trong quý I/2018.
Vào cuối tháng 12/2017, một nhà đầu tư Nhật khác cũng gia nhập vào thị trường phía Nam. Cụ thể, tại quận 7, Sanyo Homes và Công ty Tiến Phát đã hợp tác phát triển dự án căn hộ cao cấp Ascent Lakeside nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh. Được đầu tư 30 triệu USD, dự án sẽ cung cấp hơn 200 sản phẩm đa dạng với nhiều tiện ích chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật này còn kéo thêm Công ty Okamura Sanyo Property sang Việt Nam để làm đơn vị quản lý chung cư sau khi bàn giao nhà.
Căn hộ "chuẩn Nhật" đang đổ bộ mạnh vào thị trường địa ốc Sài Gòn. Ảnh: Lucas Nguyễn
Là một huyện vùng ven Sài Gòn, Bình Chánh cũng được nhiều nhà đầu tư Nhật nhắm đến. Nishitetshu và Hankyu đã cùng Tập đoàn Nam Long hợp tác triển khai một dự án với 4.678 căn hộ tọa lạc trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng.
Trước đó, thông qua hình thức đầu tư tài chính, quỹ đầu tư Nhật Creed Group cũng đã gia nhập thị trường và rót vốn vào các dự án căn hộ của An Gia Group và Công ty Năm Bảy Bảy. Theo đó, tính riêng khu Nam, số căn hộ "chuẩn Nhật" đã lên đến chục nghìn căn, tương đương 1/3 rổ hàng căn hộ bán cả năm trên toàn Tp.HCM khi thị trường cực thịnh.
Còn tại trục đô thị phía Đông, nhà đầu tư Nhật lại ưa chuộng khu vực quận 2, 9. Tại quận 9, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã cùng Nam Long Group hợp tác phát triển dự án Flora Anh Đào quy mô 500 căn nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp. Hai nhà đầu tư Nhật Bản này cũng rót vốn vào 2 dự án do Nam Long làm chủ đầu tư là dự án Kikyo 243 căn và Fuji 789 căn.
Dòng vốn Nhật cũng nhanh chóng phủ sóng khu vực danh giá nhất khu Đông là quận 2. Đại gia ngành hạ tầng Nhật Bản, tập đoàn Maeda đã lấn sân sang phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites tại phường Thạnh Mỹ Lợi. Dự án có quy mô 25 tầng, chỉ có 86 căn hộ với diện tích 87-500m2. Maeda Group đã có 25 năm kinh nghiệm phát triển hạ tầng tại Việt Nam với nhiều dự án như: Dự án ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng thủy điện Damin và hiện là tuyến xe điện ngầm metro số 1 tại Tp.HCM.
Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land), đơn vị chuyên phát triển dự án tại quận 2 đã hoàn tất việc huy động vốn đầu tư quốc tế với đối tác ngoại. Các nhà đầu tư Nhật đã đầu tư vào SonKim Land 100 triệu USD thông qua quỹ đầu tư Lemon Grass Master Fund. Ngày 21/12/2016, đợt giải ngân đầu tiên với 46 triệu USD đã được thực hiện. Dự kiến, trong quý I/2017, đợt giải ngân thứ 2 với 54 triệu USD được thực hiện.
Không chỉ khu vực có lợi thế về hạ tầng giao thông, xã hội như khu Nam và khu Đông mới hấp dẫn nhà đầu tư Nhật, mà khu Tây cũng không phải ngoại lệ. Tháng 1/2018, Tập đoàn Mitsubishi vừa công bố đầu tư 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside nằm tại quận 8. Mitsubishi đã cùng Phuc Khang Corporation phát triển dự án nhà ở xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (USGBC - Mỹ).
Để tăng giá trị dự án, Tập đoàn Mitsubishi sẽ giới thiệu một loạt công nghệ xây dựng Nhật Bản, gồm quản lý tiến độ và quản lý chất lượng. Mitsubishi đã gia nhập vào thị trường địa ốc tại châu Á, Mỹ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sau Bình Dương và Hà Nội, đơn vị này đã tiếp tục chọn Tp.HCM để đầu tư.
Những dự án nhà ở đa dạng về quy mô tại 3 trục đô thị lớn là phía Đông, Nam và Tây với dòng vốn Nhật hứa hẹn sẽ mang đậm dấu ấn quy hoạch, vật liệu, kiến trúc, nội ngoại thất và tiện ích đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.
Về làn sóng này, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA cho biết, xu hướng bất động sản "chuẩn Nhật" đang tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các dự án căn hộ từ trung cấp đến cao cấp nằm khắp các trục đô thị và khu vực cửa ngõ Sài Gòn.
Ông Lâm cho rằng, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực khi các nhà đầu tư Việt Nam mạnh dạn hợp tác với đối tác Nhật Bản. Việc hợp tác sẽ mở rộng cơ hội huy động vốn cho các chủ đầu tư trong nước, mang lại nguồn tài chính mạnh để đưa dự án về đích. Không chỉ vậy, làn sóng này cũng mở rộng thêm hệ quy chuẩn căn hộ Nhật, làm phong phú hơn rổ hàng hóa trên thị trường, từ đó mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng theo nhận định của ông Lâm, việc dòng vốn Nhật phủ sóng rộng tại các địa bàn Sài Gòn chứng tỏ mức hấp dẫn của thị trường Tp.HCM trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Đây cũng là lực hấp dẫn đặc thù của một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa giải thích, từ giai đoạn 2014-2016, nhà đầu tư Nhật Bản đã dày công nghiên cứu về thị trường địa ốc Sài Gòn. Và sau 3 năm khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người dùng, năm 2017 là thời điểm vàng để họ đổ vốn đầu tư.
Theo đánh giá của ông Quang, nhà đầu tư Nhật thường có tầm nhìn dài hạn, thay vì chỉ một vài năm. Họ có thể theo đuổi thị trường từ nửa thập niên trở lên. Hơn nữa, nhà đầu tư Nhật có quy chuẩn cao và rất trọng chữ tín nên sẽ là điểm cộng rất lớn cho thị trường Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet