Lo vốn vẫn đổ vào bất động sản qua 'cửa sau'
Ngay từ đầu năm nay, các tổ chức tín dụng đã nhận chỉ đạo từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) yêu cầu phải tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh; hạn chế tập trung tín dụng với lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng… Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng phải giảm về mức 45% bắt đầu từ ngày 1/1/2018.
Các biện pháp trên được NHNN đặt ra với mục đích “siết” dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS. Tuy vậy, vào thời điểm thị trường đang sốt nóng như hiện nay, nhiều người lo ngại BĐS vẫn thu hút lượng lớn vốn tín dụng khi tỷ lệ tín dụng trung, dài hạn dự kiến đến hết quý III/2018 có thể lên tới 53,2% tổng tín dụng.
BĐS hút vốn trung và dài hạn?
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo với nhận định, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm nay chững lại chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Cơ cấu tín dụng cũng đang ở xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn và tập trung vào tín dụng tiêu dùng.
Trong đó tỷ lệ cho vay các ngành cụ thể như sau: công nghiệp, xây dựng 22,1%; hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình 16,5%; nông lâm thủy sản 8%; kinh doanh BĐS và xây dựng 16,1%; tiêu dùng 18,3%.
Tính đến hết quý I vừa qua, tín dụng toàn hệ thống ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ này là 4,3%. Đáng chú ý, trong cả quý vừa qua, tín dụng ngắn hạn trong cả quý giảm (2,6%), còn tín dụng trung, dài hạn lại tăng (4,3%).
Điều đáng mừng là tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn chiếm khoảng 53,2% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 52,8%) vì điều này cũng có nghĩa là dòng vốn bắt đầu chuyển hướng vào đầu tư và sản xuất. Tuy vậy, gần đây, khi thị trường BĐS nóng sốt, tín dụng trung và dài hạn đột ngột tăng nhanh, làm dấy lên nghi ngại vốn ngân hàng lại đang chảy vào lĩnh vực này?
Theo số liệu thống kê mới đây của NHNN chi nhánh Tp.HCM, tại thời điểm này, trong tổng dư nợ cho vay tín dụng, cho vay chính thức với lĩnh vực BĐS đã chiếm tỷ lệ 10,8%. Như vậy, cho vay BĐS tại Tp.HCM đã cao hơn dư nợ BĐS bình quân của cả nước khoảng 4,3%. Hơn nữa, ngoài cho vay chính thức, trên địa bàn còn có khoảng 28% số tiền vay liên quan đến BĐS nhưng dưới danh nghĩa các khoản vay tiêu dùng.
Theo ước tính, lĩnh vực tín dụng này sẽ tăng 65%, trong đó, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính đồng thời cũng là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất với 52,9%. Cho vay mua trang thiết bị gia đình cũng tăng khoảng 6,5%, chiếm 15,3% tỷ trọng. Trong khi đó, cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3% tỷ trọng, tăng khoảng 35,2%.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, người dân thường có nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các hoạt động như vay dự án đầu tư tài sản cố định, đầu tư xây dựng các dự án BĐS, vay mua nhà hoặc vay tiêu dùng… Do đó, nếu nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn này dùng cho các dự án đầu tư tài sản cố định sẽ là dấu hiệu tích cực.
Nhưng ngược lại, nếu nguồn vốn trên rót vào thực hiện các dự án mới, hoặc cho vay cá nhân mua nhà, sửa nhà… thì lại là dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường BĐS thời gian qua có dấu hiệu tăng nóng và còn tiềm ẩn rủi ro hình thành “bong bóng” mới.
Dư luận dấy lên lo ngại vốn tín dụng vẫn đổ vào BĐS qua "cửa sau"?. Ảnh: G. Miêu
“Chiếc bánh ngon” của ngân hàng
Theo chuyên gia tài chính, TS Trương Huy Mai – RMIT, mặc dù NHNN đã ra các chính sách siết cho vay BĐS nhưng chắc chắn đây vẫn là lĩnh vực hút vốn nhiều.
Ngoài ra, tín dụng cho vay để xây dựng tạo ra BĐS, hoặc liên quan đến BĐS cũng chiếm một khối lượng không nhỏ. Mặc dù thông tin về tỷ trọng cụ thể chưa được NHNN công bố nhưng việc liên tục đưa ra cảnh báo đồng thời siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cho thấy cơ quan này cũng đang lo ngại rủi ro.
Bởi thực tế không ngân hàng nào từ chối cho vay BĐS bởi lĩnh vực này có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn hơn nữa lãi suất cũng có thể cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là có thể "núp bóng" cho vay tiêu dùng. Vì thế, chỉ cần có cơ hội, các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng cho vay BĐS. Và một khi tiền chảy vào lĩnh vực này với lượng lớn thì cũng sẽ kéo giá BĐS tăng theo.
Chẳng hạn như thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang triển khai dày đặc ưu đãi cho cá nhân vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn, chỉ từ 7%/năm, cam kết cho vay lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo trong thời hạn 20 năm. Đặc biệt, có nhiều ngân hàng còn tung ra gói cho vay trị giá cả ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ đồng và nhắm đến các đối tượng chính là người mua nhà. Rõ ràng, thông qua nhiều hình thức khác nhau, nguồn vốn ngân hàng vẫn đang tiếp tục chảy vào lĩnh vực BĐS.
Để giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng phải hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực BĐS, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đồng thời, NHNN cũng nhắc nhở các ngân hàng cần kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh trong lĩnh vực vay tiêu dùng.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh việc núp bóng cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán. Động thái này cho thấy, NHNN đã bắt đầu chú ý đến việc siết cả hai đầu vốn đối với lĩnh vực BĐS.
Tuy nhiên, nếu quan sát trong vòng 5 năm gần đây thì giải pháp của NHNN vẫn chưa tạo ra sức ép đủ mạnh, bởi lẽ các lĩnh vực ưu tiên vẫn có lãi suất cho vay giảm liên tục dẫn đến các ngân hàng vẫn thích chuyển vốn vào những lĩnh vực có lãi suất cao nhằm nâng cao lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra cảnh báo, hiện đang xuất hiện một số ngân hàng “đẩy” tín dụng tiêu dùng (bao gồm cả tín dụng BĐS) sang công ty tài chính và điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Một dẫn chứng cụ thể là vào năm 1997, hàng loạt công ty tài chính (kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay BĐS) tại Trung Quốc và Thái Lan đã đổ bể. Do đó, NHNN cần sớm phải xem xét lại về mặt số liệu cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó cũng cần phải định nghĩa đúng về cho vay tiêu dùng. Cụ thể, không nên xếp cho vay mua nhà vào cho vay tiêu dùng, vì thực ra đây là một khoản đầu tư, chứ không hẳn là khoản tiêu dùng. Riêng vay để sửa hoặc thuê nhà ở thì có thể xem xét xếp vào vay tiêu dùng.
"Về lâu dài, cần bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để cơ quan quản lý dễ nhận diện rủi ro hơn", ông Nghĩa đề xuất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet