Luật sư hiến kế tránh tình trạng "thả gà ra lùa" phí bảo trì chung cư
Thay vì cư dân phải đóng phí bảo trì 2% trước khi nhận nhà rồi lại phải đi đòi chủ đầu tư, cơ quan chức năng có thể quy định cư dân chỉ phải nộp phí bảo trì sau khi đã dọn về sinh sống ổn định tại tòa nhà.
Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, luật sư Bùi Sinh Quyền cho biết, cơ quan chức năng nên xem xét sửa luật nếu thấy bất cập và còn nhiều vướng mắc khi áp dụng vào thực tế.
Thực tế, thời gian qua, tại Hà Nội, Tp.HCM, nhiều chung cư đã xảy ra tình trạng chủ đầu tư chây ì không chịu bàn giao phí bảo trì cho Ban Quản trị toà chung cư. Cư dân các toà nhà vô cùng bức xúc khi hết lần này đến lần khác đi đòi nhưng chủ đầu tư hoặc trả nhỏ giọt, hoặc không trả. Theo quy định của nhà nước, phí bảo trì chung cư là 2% giá trị căn hộ.
Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải tách bạch rõ ràng khoản phí
bảo trì để giao lại cả gốc lẫn lãi cho ban quản trị (Ảnh minh họa)
Theo Luật sư Quyền, Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015 quy định rất rõ, trong vòng 7 ngày kể từ khi thu phí của khách hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản và gửi toàn bộ số tiền đó vào ngân hàng. Đồng thời, trong vòng 7 ngày kể từ khi thành lập ban quản trị tòa nhà, chủ đầu tư có trách nhiệm giao lại toàn bộ số tiền gốc và lãi cho ban quản trị.
Ngoài ra, sau khi phí bảo trì được gửi vào tài khoản riêng trong ngân hàng và báo cáo lên cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh, tài khoản này sẽ bị phong tỏa và chỉ khi có đầy đủ chữ ký của các thành viên ban quản trị thì mới được rút số tiền này. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn lấy đủ lý do để trì hoãn hoặc từ chối giao tiền cho ban quản trị tòa nhà. Dù luật mới đã được ban hành nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.
Luật sư Quyền nói: “Quỹ bảo trì được lập ra với mục đích là bảo trì công trình sau thời gian bảo hành tòa nhà của chủ đầu tư. Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư buộc phải tách bạch rõ khoản quỹ này để giao lại cả gốc lẫn lãi cho ban quản trị. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình không tách bạch tài khoản này, khiến cho việc tính toán lãi suất và bàn giao có thể gặp khó khăn và thiếu minh bạch”.
Ông Quyền cho rằng, thay vì cư dân phải đóng phí bảo trì 2% trước khi nhận nhà rồi lại mất công đi đòi thì cơ quan chức năng có thể tìm cách thay đổi. Cụ thể, toà chung cư chưa thể hỏng hóc ngay trong vòng vài năm đầu nên chưa phải dùng đến phí bảo trì. Do đó, phí bảo trì có thể thu sau khi người dân đã dọn về sinh sống ổn định.
Bên cạnh đó, thay vì đóng phí bảo trì cho chủ đầu tư rồi lại trao lại cho dân, cơ quan chức năng nên lập một ban kiểm soát tạm thời quản lý số tiền này trước khi bàn giao cho ban quản trị tòa nhà.
Trưởng Phòng phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội), ông Vũ Ngọc Đạm cho biết, cả người mua và chủ đầu tư phải tuân theo việc thu phí bảo trì đã được quy định trong luật. Theo quy định của luật, khi thu phí 2%, chủ đầu tư không được sử dụng tài khoản chung của chủ đầu tư mà phải lập tài khoản riêng. Tài khoản riêng này sẽ được trao cho Ban Quản trị toà chung cư. Cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định nếu chủ đầu tư làm trái luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet