Chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), khi dự án tiếp tục được chỉnh sửa từ sau Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ chưa hài lòng với quy định của dự án Luật về các loại giấy phép, gây phiền hà cho người dân mỗi khi xây dựng các công trình dân sinh.

Ngoài giấy phép xây dựng, người dân cũng phải bổ sung các nội dung về an toàn công trình, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Thêm vào đó, theo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lĩnh vực đầu tư xây dựng có sự đa dạng về loại hình, quy mô, tính chất và địa bàn xây dựng, nên giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về những quy định liên quan đến cấp giấy phép xây dựng còn chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật.

“Người dân xây được ngôi nhà mà phải xin cơ quan quản lý xây dựng tới 30 loại giấy phép thì mệt quá. Nên rà soát để nhập các loại giấy phép lại cho ít hơn nữa”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

Không chỉ thế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan quản lý xây dựng địa phương phải chủ động làm các giấy phép, không để người dân phải tự đi đến nhiều nơi xin giấp phép nữa.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ đã giảm các giấy phép xây dựng nhằm đảm bảo thuận lợi cho người dân, đồng thời vẫn quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài nguyên, vốn của Nhà nước và xã hội. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại giấy phép để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân.

Cũng liên quan đến vấn đề giấy phép, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm phải chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấp phép xây dựng thông thường, đảm bảo tính kinh tế trong quản lý quy hoạch. Ngoài ra, khi cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân thì cũng cần phải quy định chính sách đền bù cho họ mỗi khi giải tỏa mặt bằng.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công. Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công.

Riêng hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh (dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8).

Đối với phân loại các dự án đầu tư công, dự án Luật chia thành các chương trình quan trọng quốc gia, các chương trình dự án nhóm A, B, C theo quy mô, mục tiêu, tầm quan trọng và các tiêu chí cụ thể được quy định tại văn bản dưới luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật cần quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp trong việc quy định, phê duyệt các loại chương trình dự án đầu tư công.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME