Môi giới tự do “mượn tạm” các vị trí vàng để chào bán bất động sản
Thị trường BĐS đang có lượng môi giới hùng hậu hoạt động sôi nổi, bên cạnh những nhà môi giới chuyên nghiệp, vẫn có không ít môi giới thiếu kiến thức, sử dụng chiêu trò gây phiền nhiễu, mất niềm tin cho người mua BĐS.
1 căn nhà, hơn chục số điện thoại liên hệ
Là chủ sở hữu của căn nhà phố đang rao bán trên đường Lê Văn Khương, quận 12, chị Đỗ Hồng Ân dở khóc dở cười khi cứ vài ngày lại phải đi giải quyết tờ rơi quảng cáo với chi chít số điện thoại của môi giới nhà đất dán trên cửa nhà. Căn nhà trên của chị đang ủy thác cho một bên môi giới chào bán nhưng để tăng thêm cơ hội tìm kiếm khách, chị Ân vẫn dán thêm số điện thoại và thông báo rao bán của mình. Kết quả là khách mua chưa thấy, chị lại nhận được hàng chục số điện thoại của môi giới các bên liên hệ chèo kéo hỗ trợ tư vấn bán nhà.
Các căn nhà phố, nhà riêng rao bán với chi chít các số điện thoại liên hệ khiến người mua khó lòng phân biệt được thông tin chính chủ. Ảnh minh họa |
Ngoài môi giới gọi điện, chỉ mới sau 1 ngày mà cửa nhà chị tràn ngập các tờ rao, số điện thoại rao bán nhà của các bên xa lạ, đếm sơ sơ cũng hơn chục số. Còn số điện thoại và quảng cáo chính chủ của chị thì đã bị xé bỏ từ lúc nào không hay. Chị Ân cho biết, giờ chỉ muốn làm việc với khách bên môi giới đã ký gửi giới thiệu do lo ngại nhiều trường hợp môi giới tự do liên kết với khách hàng giả xem nhà để đánh tráo sổ đỏ và các số lạ gọi làm phiền quá nhiều.
Tương tự, trên tuyến đường Cao Thắng cũng có một căn nhà mặt phố đang chào thuê. Dù theo thông tin ghi nhận, căn nhà này đã được ký gửi cho một công ty môi giới tại quận 1, nhưng trên cửa vẫn có nhiều số điện thoại khác nhau dán kín cổng. Nhiều người có nhu cầu thuê muốn liên hệ cũng không biết kiếm đâu ra số thật của chủ nhà để hỏi thăm thông tin. Một khách hàng từng có nhu cầu tìm thuê mặt bằng khu vực này cho biết, anh có thử gọi đến 2-3 số điện thoại trên đó, phần nhiều đều xác nhận là chủ nhà, nhưng mỗi người lại giới thiệu mức giá khác nhau. Có số cũng xác thực luôn là bên môi giới, không phụ trách mặt bằng kia nhưng đang có một số mặt bằng đẹp chào thuê trên những tuyến gần đó và tư vấn anh có thể tìm hiểu thêm.
Anh Hồ Hải Phòng, nhân viên sàn môi giới nhà phố tại quận 1 cho biết, những căn nhà cần bán có vị trí đẹp, rao bán với giá rơi vào tầm trung bình, phù hợp với nhu cầu mua của nhiều người sẽ được nhiều môi giới nhà phố nhắm đến. Đây là chuyện rất bình thường, các môi giới thường tranh nhau dán quảng cáo số điện thoại lên các căn nhà vị trí đẹp để thu thập thông tin người mua nhà. Tuy nhiên nó ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến chủ nhà, người đang có nhu cầu rao bán thật. "Phần lớn những số này là nhằm mục đích thu thập thông tin khách hàng đang có nhu cầu mua, thuê nhưng cũng không loại trừ nhiều đối tượng nhắm đến khách có nhu cầu thực để thực hiện hành vi lừa đảo”, anh Phòng chia sẻ.
Cần phát triển môi giới chuyên nghiệp hơn với nghề
Không chỉ là tình trạng rao bán nhà phố, nhiều môi giới chào bán đất nền, chung cư hiện nay cũng ngang nhiên “mượn tạm” các vị trí vàng để chào bán BĐS trên cả chợ trực tuyến lẫn mặt bằng thực tế. Theo chia sẻ từ một chủ đầu tư dự án trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, dù quỹ đất này doanh nghiệp mới mua lại, đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và chưa chính thức triển khai dự án nhưng tại công trường dự án và cả các chợ nhà đất trực tuyến, vị trí dự án bị nhiều môi giới “mượn” rao bán sản phẩm đất nền, căn hộ. Đây không chỉ làm mất uy tín của chủ đầu tư mà còn như một hình thức lừa đảo người mua nhà. Dù phần lớn các tài khoản đăng tin hay số điện thoại rao bán là để thu thập thông tin khách hàng nhưng ít nhiều gây ảnh hưởng đến người có nhu cầu và doanh nghiệp.
Môi giới BĐS cần giữ được tác phong chuyên nghiệp trong tư vấn và tiếp cận khách hàng nếu muốn khẳng định được chỗ đứng lâu dài trên thị trường. Ảnh minh họa |
Theo thông tin do ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cung cấp, thị trường hiện nay có gần 90% môi giới BĐS hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém. Theo ông Lập, chỉ có khoảng 1.000 đơn vị thành lập sàn giao dịch trong số hàng vạn công ty tham gia dịch vụ môi giới BĐS. Dẫn số liệu cách đây một năm của Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Lập cho hay, đến tháng 6/2019 có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động trong lĩnh vực môi giới; trong đó chỉ có 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ 2006, còn theo luật mới là 8.000 người. Tính ra, tỷ lệ môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề chưa đến 12%.
Thị trường đang có lượng môi giới hùng hậu hoạt động sôi nổi, không chỉ ở các sàn giao dịch mà lượng sales nhà đất tự do cũng rất lớn. Chỉ cần một thông tin rao bán, tìm thuê hay tìm mua nhà xuất hiện trên các trang rao bán BĐS hay các cộng đồng mua bán nhà đất, hàng trăm comment, số điện thoại từ “cò” nhảy vào mời chào, môi giới. Nghiêm trọng hơn, do thiếu kiến thức và am hiểu quy định của pháp luật khiến không ít nhà môi giới BĐS trở thành “con bài” cho các sàn giao dịch bất động sản ảo, lừa đảo lợi dụng, gián tiếp gây hại cho khách hàng.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần chấn chỉnh công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời tăng cường công tác phổ biến luật và nâng cao trình độ cho lực lượng môi giới. Hiện Batdongsan.com.vn cũng đã có các chương trình Expert Talk cung cấp kiến thức, kỹ năng dành riêng cho các nhà môi giới. Thực tế cho thấy, thị trường BĐS chỉ có thể phát triển bền vững nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng chặt chẽ hơn.
Phương Uyên
>> Thiếu kiến thức, môi giới bất động sản sẽ làm “loạn” thị trường
>> Muốn thành công, môi giới bất động sản phải vừa có tâm vừa có "tầm"
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet