Nếu tách sổ có cần chữ ký của các con?
Hỏi: Năm 2001 gia đình tôi có bán cho ông Trực 234m2 đất, hợp đồng viết tay không ghi rõ đất ở hay đất vườn nhưng có xác nhận của UBND xã. Sau khi bán, gia đình tôi vẫn nộp thuế toàn bộ mảnh đất đó do ông Trực ở xa không về nộp thuế.
Năm 2004 gia đình tôi được UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ 1.045m2 đất. Năm 2011 ông Trực về tách sổ đỏ 234m2 đất nhà ở. Các con tôi không đồng ý mà đề nghị ông Trực sửa lại trong số 234m2 đất ấy phải có đất vườn.
Tháng 7/2011, ông Trực viết đơn đòi hủy sổ đỏ 1.045m2. Tháng 8/2011 Phòng Thanh tra huyện Đông Anh đồng ý hủy và UBND xã hướng dẫn hai gia đình làm lại sổ đỏ mới nhưng các con tôi không đồng ý cho hủy.
Xin hỏi: Thủ tục cấp lại sổ đỏ mới có cần chữ ký của các con tôi không? Về toàn bộ tiền thuế đất mà gia đình tôi đã đóng cho phần đất của ông Trực trong 10 năm qua, ông Trực không chịu trả lại, gia đình tôi phải làm sao? Daisy.thuy ([email protected])
Trả lời
- Ý kiến đối với vụ việc của ông như sau:
Do hai bên tự nguyện mua bán 234m2 đất đã có xác nhận của UBND xã vào năm 2001 nên giấy mua bán tay này có hiệu lực pháp luật (điều 50 Luật đất đai 2003).
Tuy nhiên, UBND huyện Đông Anh hủy sổ đỏ đã cấp là đúng quy định vì gia đình ông không được phép hợp thức hóa đối với phần đất đã chuyển nhượng cho ông Huy Trực.
Do toàn bộ quyền sử dụng đất 1.045m2 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên cơ quan giải quyết tranh chấp này là Tòa án nhân dân huyện Đông Anh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền (theo thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 3/1/2002 hướng dẫn về thẩm quyền của tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất) sau khi có sự hòa giải tại UBND xã nơi quyền sử dụng đất này tọa lạc (điều 135 và điều 136 Luật đất đai 2003).
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hai bên cần thỏa thuận được 234m2 đất đã chuyển nhượng nằm ở vị trí nào, để từ đó mới xác định 234m2 đất này là đất thổ vườn hay thổ cư tại thời điểm chuyển nhượng.
Các bên muốn bảo vệ quan điểm, quyền lợi của mình thì phải có chứng cứ, giấy tờ chứng minh cung cấp cho cơ quan thụ lý giải quyết. Như trong trường hợp của ông, ông phải có giấy tờ, nhân chứng, tài liệu thể hiện phần đất chuyển nhượng nằm ở vị trí nào, mục đích sử dụng phần đất 234m2 tại thời điểm chuyển nhượng, đất thổ vườn hay thổ cư, giấy tờ, biên lai đóng thuế 234m2 trong 10 năm qua. Như thế, khả năng đòi lại tiền thuế đã đóng cho phần đất ông Trực sẽ dễ dàng thực hiện.
Vì hai bên không tự thương lượng được quyền sử dụng đất 1.045m2 đang có tranh chấp nên các bên đều chưa được cấp chủ quyền cho phần đất của mình (theo điều 50 Luật đất đai 2003) và phải chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Quyết định/bản án giải quyết của cơ quan có thẩm quyền sẽ có giá trị thi hành tức thời không cần phải có chữ ký của các con ông.
Luật sư Phan Phước Thuận
(Theo TTO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet