Ngành thép lại tái phát 'bệnh cũ'?
Tại sao ngành thép luôn luôn kêu khó khăn trong khi các doanh nghiệp đều đạt lợi nhuận khủng? Thậm chí có doanh nghiệp còn đạt mức tăng sản lượng tiêu thụ lên tới 140% so với cùng kỳ năm trước!
Trong tháng 3 vừa qua, theo ghi nhận từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp sản xuất thép đạt 962.000 tấn, mức tiêu thụ cao nhất trong lịch sử ngành thép nếu tính theo tháng, trong đó có doanh nghiệp đạt mức tăng sản lượng tiêu thụ lên tới 140% so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng theo VSA, tính từ tháng 12/2015 đến hết tháng 2/2016, sản lượng thép được các doanh nghiệp sản xuất cung cấp ra thị trường vẫn rất dồi dào, ước xấp xỉ 1,7 triệu tấn. Dù vậy, nhưng mức giá thép hiện đã tăng tới hơn 30% so với hồi đầu tháng 3/2016, điều này được xem là một hiện tượng bất thường.
Ngành thép đạt lợi nhuận 'khủng' vẫn luôn kêu khó khăn? Ảnh: ndh.vn
Về hiện tượng trên, một chuyên gia trong ngành thép nhận xét: 'Dù mức cầu của thị trường có tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguồn cung thép vẫn dồi dào, nếu không muốn nói là vẫn thừa cung, nhưng mức giá đã tăng khá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn là một dấu hiệu bất thường'.
Cũng không khó để nhận ra rằng những dấu hiệu bất thường trên xuất hiện từ sau khi Bộ Công thương công bố quyết định áp thuế tự vệ tạm thời vào ngày 7/3.
Theo ghi nhận của PV Tuổi trẻ, chỉ một ngày sau khi thuế tự vệ được công bố, thép bán lẻ đã tăng giá một cách vô tội vạ với lý do 'nhà máy nói tăng giá nên phải bán với giá cao chứ sao'. Trong khi đó, lý do mà các doanh nghiệp sản xuất đưa ra để đua tăng giá là do... giá nguyên liệu thế giới tăng, dù nguồn nguyên liệu giá mới này thực tế mới chỉ cập cảng Việt Nam từ đầu tháng 4/2016.
“Tất cả nguyên liệu mà các doanh nghiệp sản xuất sử dụng trong tháng 3 vừa qua thực ra đều được nhập trước đó với giá thấp. Nếu viện cớ giá nguyên liệu mới tăng (tăng khoảng 15% so với giá nguyên liệu cũ), thì đúng ra phải đầu tháng 4 này các doanh nghiệp sản xuất mới phải tăng giá bán, thay vì đua nhau tăng giá dù sử dụng nguyên liệu đầu vào giá thấp” - vị chuyên gia ngành thép khẳng định.
Cũng theo vị chuyên gia này, đây chính là dấu hiệu của việc 'té nước theo mưa', các doanh nghiệp đã lợi dụng thông tin thuế tự vệ để tăng giá bán sỉ nhằm trục lợi. Đến lượt các đại lý cũng đua nhau tăng giá với lý do nhà sản xuất tăng, thậm chí mức tăng còn cao hơn nhiều so với mức tăng của nhà sản xuất.
Dù có nhiều yêu cầu, thậm chí quy định hẳn hoi về định hướng phát triển hệ thống phân phối do Bộ Công thương ban hành từ năm 2013, nhưng đến nay câu chuyện muôn đời 'té nước theo mưa' của hệ thống phân phối thép khi thị trường biến động vẫn là những câu chuyện rất cũ và vẫn chưa có thuốc trị, thậm chí còn bắt đầu có dấu hiệu 'kháng thuốc'.
Mà nguyên nhân của hiện tượng này, theo như thừa nhận một cựu lãnh đạo VSA, có trách nhiệm không hề nhỏ của chính các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước khi họ cố tình bỏ quên trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, chỉ lo chạy theo lợi nhuận.
Trên thực tế, ngành thép cũng không ngừng kêu khó khăn, nhưng theo báo cáo được công bố công khai, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn cứ đạt lợi nhuận khủng, trong đó không hiếm doanh nghiệp lớn có lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỉ đồng, và mức lợi nhuận này bao giờ cũng năm sau hơn năm trước!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet