Nghịch lý trong bố trí, sử dụng quỹ đất tại Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, trong khi trên địa bàn thành phố hiện có hàng loạt dự án bỏ hoàng nhiều năm, thì 10.000 lô đất dự kiến bố trí cho người dân tái định cư vẫn chưa có, khiến người dân vùng giải tỏa thiếu chỗ ở, sinh hoạt khó khăn, mưu sinh vất vả.
Nơi thiếu đất tái định cư
Xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) là một trong những địa phương có nhiều hộ dân phải di dời nhường đất cho thành phố mở rộng và thi công dự án đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương, tuy nhiên đã hơn 1 năm nay vẫn chưa có đất tái định cư thực tế.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cho hay, trong số 340 hồ sơ vướng giải tỏa di dời dự án đường Hòa Phước - Hòa Khương ở xã Hòa Tiến (có 88 hồ sơ nhà ở, còn lại là đất nông nghiệp), đến nay còn 57 hồ sơ (nhà) chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 20 hồ sơ mặt tiền đường ĐT 605 đã đồng ý chủ trương, song do chưa có đất thực tế bố trí tái định cư nên chưa thể bàn giao mặt bằng.
"Hiện toàn tuyến dự án đường Hòa Phước - Hòa Khương còn khoảng 200 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, chiếm phần lớn là các hộ thuộc mặt tiền đường ĐT 605 (xã Hòa Tiến) và mặt tiền Quốc lộ 1A (xã Hòa Phước). Với các hộ dân ở Hòa Tiến chưa có đất tái định cư, theo cam kết của đơn vị điều hành dự án, đến ngày 30/11/2017 sẽ hoàn thành khu tái định cư Hòa Tiến, tuy nhiên do một số vướng mắc và thời tiết mưa kéo dài nên chậm tiến độ", ông Bùi Nam Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay.
Đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) hiện còn nhiều khu đất để trống. Ảnh: Hà Minh |
Nơi bỏ hoang dự án
Hiện nay, tình trạng các lô đất bị bỏ hoang diễn ra khá phổ biến tại Đà Nẵng. Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND quận Sơn Trà Cao Xuân Thắng cho hay, quận Sơn Trà hiện có hàng trăm lô đất trống nằm rải rác trên các trục đường chính như Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Hoàng Sa, Võ Văn Kiệt,…
Theo ông Cao Xuân Thắng, công tác quản lý các lô đất này vẫn còn bất cập do nhiều cấp, nhiều ngành quản lý và do cá nhân, đơn vị là chủ sử dụng quyền sử dụng đất quản lý, khiến quản lý khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp không thể xác định được chủ sử dụng đất, quận phải tạm ứng kinh phí dọn dẹp vệ sinh, song vẫn chưa thu hồi được kinh phí tạm ứng do không xác định được chủ sử dụng đất.
Tương tự, dọc tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Thọ, 30 Tháng 4, Như Nguyệt, Xuân Diệu thuộc quận hải Châu còn khá nhiều lô đất trống… Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, có khoảng 1.100 lô đất trống, trong đó chỉ xác định được chủ sở hữu của khoảng 200 lô.
Ông Hồ Văn Khoa, Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận Cẩm Lệ cũng cho biết tình trạng chậm triển khai các dự án trên địa bàn quận như: Dự án Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân; dự án xử lý ngập úng các tổ dân phố 17, 18, 19 phường Khuê Trung; khu đất dự trữ ven sông phía Nam cầu Cẩm Lệ; dự án di dời giải tỏa một số hộ dân các tổ dân phố 7A, 7B phường Hòa Thọ Tây.
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Phan Thị Thúy Linh, nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chậm tham mưu, đề xuất sửa đổi những bất cập của các chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư của UBND TP. Đà Nẵng; cũng như việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Bà Linh cho biết thêm, giám sát cho thấy nhiều dự án bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thay đổi quy hoạch, thay đổi quy mô nên phải kiểm đếm, chỉnh lý lại hồ sơ đền bù đã lập, dẫn đến chậm trễ so với tiến độ. Bên cạnh đó, Hội đồng giải phóng vẫn chưa phát huy được vai trò của mình, đặc biệt là trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết những phát sinh vướng mắc trong đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư.
Tính đến ngày 31/10/2017, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 214 dự án giải tỏa, trong đó có 43 dự án mới triển khai và 171 dự án dở dang. Tổng số hồ sơ cần giải tỏa là 71.425 hồ sơ; đã bàn giao mặt bằng đến nay 50.425 hồ sơ. Đối với quỹ đất tái định cư thành phố đang quản lý, tổng số lô theo quy hoạch là 128.224 lô; đã bố trí 102.742 lô (đã có đất thực tế 102.079 lô, nợ đất 663 lô); 25.482 lô chưa bố trí (cụ thể: 15.741 lô có đất thực tế; 9.941 lô chưa có đất thực tế).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet