Trước tình trạng nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), cần phải có giải pháp nhà ở an toàn và bền vững cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà thích ứng trong thời đại BĐKH và thiên tai” do Tổ chức Hỗ trợ gia cư quốc tế Habitat (HFH) Việt Nam kết hợp cùng Tập đoàn SCG (Thái Lan) tổ chức đã tìm ra nhiều ý tưởng nhà ở có tính sáng tạo.

Vì đặc trưng địa hình, khí hậu của khu vực nên người dân ĐBSCL đã có kinh nghiệm trong việc chống chọi, sống chung với thiên tai. Thường xuyên phải sống trong cảnh ngập nước, nhà ở đây thường làm theo kiểu nhà sàn, nhà nổi hay nâng cao mặt đất dựng nhà.

Hai bạn Trần Trương Thúy Nhi và Nguyễn Hồng Quân (sinh viên Khoa Kiến trúc - Xây dựng Trường ĐH Văn Lang - giải nhất cuộc thi thiết kế “Bên kia chợ nổi”) cho biết: “Từ trước đến nay, nhà của người dân ĐBSCL đã được xây dựng để có thể thích nghi với điều kiện sống của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là những ngôi nhà tạm, đơn giản, vẫn còn một số bất tiện trong sinh hoạt và làm ăn. Thiết kế “Bên kia chợ nổi” chỉ dựa vào kiểu nhà có sẵn và chỉnh sửa sao cho tiện nghi, phù hợp với văn hóa truyền thống, thói quen sinh hoạt của người dân nơi đây”.
Mẫu thiết kế “Bên kia chợ nổi” đoạt giải nhất cuộc thi “Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai”.
Ảnh do HFH Việt Nam cung cấp

Ngôi nhà của thiết kế “Bên kia chợ nổi” được chống cột, nâng sàn lên cao để tránh ngập nước vào mùa lũ và có thể tận dụng được không gian tầng trệt vào mùa khô.
 

 
Thiết kế “Nhà vách lật” đoạt giải nhì cuộc thi cũng được xây dựng dựa trên mô hình nhà sàn 2 tầng. Vào mùa lũ, các vách tường tầng trệt được lật lên trên, tăng thêm diện tích bốn phía ở tầng 2 của ngôi nhà.

Bạn Nguyễn Thị Anh Tú (cựu sinh viên Khoa Kiến trúc Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM - 1 trong 3 tác giả của thiết kế “Nhà vách lật”) cho biết: “Với những ngôi nhà sàn, vào mùa lũ, người ta thường dọn đồ đạc ở tầng trệt lên tầng 2, khiến không gian sống bị thu hẹp mất một nửa. Nếu có nhà vách lật, mỗi hộ gia đình có thể chứa đồ ở diện tích vừa được tăng thêm, trồng rau trong chậu hay nuôi gia cầm cải thiện bữa ăn mùa lũ. Đồng thời, nhà được lật vách lên sẽ không cản sự chảy của dòng nước lũ”.

Điều đáng ghi nhận là các thiết kế đoạt giải đều thân thiện với môi trường. Vật liệu dựng nhà được sử dụng từ các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương (tre, gỗ) hay vật liệu nhân tạo được sản xuất theo công nghệ bảo vệ môi trường như gạch không nung…

Điểm đặc biệt của 2 thiết kế trên là mỗi ngôi nhà đều có thể mở rộng diện tích bằng cách ghép nhiều ngôi nhà có diện tích ban đầu lại với nhau (“Bên kia chợ nổi” diện tích 4 m x 11 m và “Nhà vách lật” rộng 8 m x 5 m). Đây là phương pháp khá hữu ích trong việc mở rộng diện tích nhà ở nhưng tránh gây lãng phí. Các mẫu thiết kế đoạt giải cuộc thi ước tính chi phí xây dựng dưới 100 triệu đồng.

Dự kiến trong tháng 10/2013, HFH Việt Nam sẽ khảo sát địa điểm và xây dựng một căn nhà mẫu theo ý tưởng của thiết kế đoạt giải nhất. Bà Nguyễn Thị Thiên Thanh, nhân viên phát triển nguồn lực của HFH Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu của cuộc thi là nhằm tìm ra mẫu thiết kế nhà có khả năng chống chọi với thiên tai nhưng đồng thời phải phù hợp với kinh tế của các hộ gia đình có thu nhập thấp ở ĐBSCL. Vì vậy, việc khảo sát nhiều lần sẽ giúp HFH Việt Nam xác định khu vực thích hợp để triển khai xây dựng ngôi nhà mẫu cho thiết kế đoạt giải nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm các mẫu thiết kế lọt vào vòng chung kết nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu và bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhiều hộ gia đình”.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME