Nhà cư ngụ trên 30 năm có được đứng tên chủ sở hữu?
Hỏi: Năm 1971, anh ruột của tôi có mua 1 căn nhà trên đường Nguyễn Biểu, P.1, Q.5, TP.HCM (diện tích 19m2, gác suốt bằng cây). Năm 1975, gia đình anh tôi đi vượt biên nên đã cho tôi căn nhà trên (không có chứng thực, chỉ đưa giấy tờ mua bán nhà).
Đến nay, tôi đã mất liên lạc với anh hơn 30 năm.
Năm 1976, người chị ruột của tôi đứng tên chủ hộ khẩu. Hiện chị tôi đã có nhà riêng, không còn ở đây nhưng vẫn đứng tên chủ hộ khẩu và đồng ý cho tôi đứng tên chủ hộ. Từ năm 1974 đến nay, tôi vẫn ở căn nhà trên. Giấy tờ thuế đất, điện, nước đều mang tên tôi. Hiện tại căn nhà vẫn là gác gỗ, không xây cất gì thêm.
Tôi muốn hỏi nếu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở - nhà ở và đứng tên chủ hộ khẩu thì phải làm thủ tục như thế nào? Theo tôi được biết, người cư ngụ nhà ở từ 30 năm trở lên được đứng tên chủ sở hữu nhà ở và đất ở có đúng không?
Linh Ngoc ([email protected])
- Trả lời của luật sư Nguyễn Văn Hậu:
Điểm e khoản 1 Mục I Thông tư 02/1999/TT-BXD ngày 3-5-1999 hướng dẫn quản lý nhà ở vắng chủ giữa cá nhân quy định tại nghị quyết về giao dịch nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 quy định “Nhà ở do chủ sở hữu để lại, nhưng chủ sở hữu đã chết hoặc không rõ tung tích” sẽ thuộc phạm vi áp dụng của nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10. Do đó, nếu bạn đã mất liên lạc với anh trai bạn hơn 30 năm cũng được xem như là anh trai bạn không rõ tung tích theo quy định nêu trên.
Khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24-8-2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 quy định: “Trong trường hợp trước khi đi vắng, nếu chủ sở hữu nhà ở không có ủy quyền quản lý hợp pháp thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó; nếu không có những người nói trên thì công nhận quyền sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày nghị quyết này có hiệu lực.
Trong trường hợp đến ngày nghị quyết này có hiệu lực cũng không có người đang quản lý, sử dụng nói trên, thì nhà ở đó thuộc Nhà nước và người đang quản lý, sử dụng được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua”.
Như vậy, theo quy định đã nêu, bạn chỉ được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua căn nhà trên vì tính từ thời điểm bạn bắt đầu quản lý cho đến ngày nghị quyết 58 có hiệu lực (ngày 1-1-1999), bạn chưa quản lý, sử dụng được 30 năm.
Để được đứng tên chủ hộ, bạn cần liên hệ Công an phường 1, quận 5 làm đơn xin tách hộ với chủ hộ mang tên của chính bạn.
Bạn có thể liên hệ UBND quận 5 để hỏi về trình tự thủ tục khi bạn muốn làm giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ đối với trường hợp của bạn.
Lưu ý thêm với bạn, trong trường hợp vẫn có tin tức anh bạn đang sống ở nước ngoài thì văn bản pháp luật áp dụng đối với trường hợp của bạn sẽ là nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 7-7-2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Theo đó Điều 23 Nghị quyết 1037 quy định:
“1. Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn ủy quyền đã hết trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất sáu tháng.
2. Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu đến ngày nghị quyết này có hiệu lực mà thời hạn ủy quyền vẫn còn thì chủ sở hữu được lấy lại nhà ở, kể từ ngày hết thời hạn ủy quyền nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất sáu tháng.
3. Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn ủy quyền không xác định thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất mười hai tháng.
4. Trường hợp người đang quản lý, sử dụng nhà ở quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này không được công nhận là chủ sở hữu nhà ở đó, thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu nhà ở đó phải đền bù một khoản chi phí hợp lý do đã trông nom, bảo quản nhà ở”.
Theo Tuổi trẻ Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet