Nhà đất ven đô và BĐS khu công nghiệp sẽ là xu hướng M&A năm 2021
Giới chuyên gia đầu ngành đều nhận định, nhân tố dẫn dắt thị trường mua bán sáp nhập BĐS trong năm 2021 sẽ là BĐS công nghiệp và các đô thị vùng ven trung tâm.
Trong phiên thảo luận với chủ đề "Nhận diện các cơ hội M&A trong lĩnh vực bất động sản" tại Diễn đàn M&A 2020 do báo Đầu tư tổ chức, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam nhận định, lĩnh vực BĐS khu công nghiệp đã và sẽ tiếp tục là phân khúc hút dòng vốn ngoại lớn nhất hiện nay, khi Việt Nam không ngừng phát triển dần trở thành trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á. Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 và được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và nhà sản xuất.
Mặc dù lệnh ngưng các chuyến bay quốc tế trong 8 tháng đầu năm có ảnh hưởng nhất định đến giao dịch mới do các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến khảo sát dự án BĐSất động sản, nhưng việc mở lại đường bay đến 6 quốc gia châu Á gần đây có thể giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch. Bên cạnh các nhà đầu tư công nghiệp hiện hữu nổi tiếng như BWI, Logos, Mapletree, Boustead, Pegatron, đối tác sản xuất có trụ sở tại Đài Loan của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Apple hay Sony có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Bắc TP. Hải Phòng). Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm các dự án phát triển công nghiệp với quy mô hàng trăm ha để phát triển một khu công nghiệp tổng thể từ các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng tăng.
Các thương vụ mua bán BĐS trong năm 2021 sẽ nghiêng về loại hình BĐS khu công nghiệp và thị trường các đô thị vệ tinh.
“Mặc dù đang là phân khúc thu hút rất nhiều sự quan tâm nhưng việc thực hiện các thương vụ vẫn là thách thức đối với các nhà đầu tư. Tìm được quỹ đất lớn phù hợp để phát triển nhà kho và xưởng xây sẵn cho thuê tại vị trí chiến lược, cùng với việc tăng giá đất công nghiệp trong khi vẫn phải đảm bảo khoản đầu tư đạt lợi nhuận nhất định là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, chưa kể đến sự cạnh tranh ngày một tăng từ các nhà đầu tư mới và hiện hữu”, bà Khanh cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Nhiên, P.TGĐ Hưng Thịnh Land nhận định, hoạt động M&A có xu hướng gia tăng ở BĐS công nghiệp và BĐS ven đô. Bất động sản ven đô nóng lên là do hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Còn với BĐS công nghiệp, dịch bệnh xảy ra khiến dòng vốn ngoại đóng băng, là cơ hội cho nhà đầu tư nội.
Ông Lim Hua Tiong, TGĐ Công ty Frasers Property Viet Nam cho hay, dù tiến trình thay đổi Luật cho các nhà đầu tư M&A có vẻ chậm nhưng nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn theo đuổi các mục tiêu M&A tại Việt Nam. So với 10 năm trước, tốc độ đô thị hóa tăng nhiều, người dân sử dụng ô tô nhiều hơn, thuận tiện đi lại. Theo kinh nghiệm từ phát triển khu đô thị, ông Lim Hua Tiong cho rằng, thị trường trong các năm tới sẽ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận khu vực này. Tuy nhiên để phát triển khu đô thị cần có công thức đúng đắn, phải cải thiện về giao thông, cơ sở hạ tầng. 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về hạ tầng, kết nối vùng ngày càng thuận lợi. Đây là cơ hội cho các thị trường ngoại đô. Với nguồn ngân sách dự kiến đổ vào hạ tầng của Việt Nam, thị trường vệ tinh chắc chắn sẽ là tâm điểm phát triển trong 10 năm tới.
Các thị trường vệ tinh được dự báo sẽ tiếp tục là tâm điểm trong cuộc chiến săn quỹ đất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trả lời cho câu hỏi liệu có rủi ro cho các nhà đầu tư ngoại lần đầu đến Việt Nam chọn đầu tư vào thành phố vệ tinh, ông Lim Hua Tiong cho biết, hiện nay có 2 nhóm nhà đầu tư quan tâm BĐS vệ tinh là nhà đầu tư truyền thống và nhóm đầu tư mới. Những người đầu tư đi trước, đã cam kết vốn đầu tư từ 10-15 năm và thiết lập dấu ấn của mình từ các thành phố lớn cho đến các đô thị vệ tinh. Những nhà đầu tư mới có thể theo dõi thị trường thông qua những người đi trước, thiết lập đối tác trong nước để cùng đi với họ. Để thành công, nhà đầu tư mới cần có sự liên kết chặc chẽ với doanh nghiệp nội, nếu không có sự tin tưởng của đối tác trong nước thì không thể đầu tư thành công vào thị trường vệ tinh. Chẳng hạn, NLG hợp tác đối tác Nhật, làm nhiều dự án với nhau, nhà đầu tư đó cũng bắt đầu đầu tư khu đô thị vệ tinh ở Đồng Nai, Long An. Vậy thu hút FDI thì dự án phải có quyền sở hữu rõ ràng, sạch, và uy tín của nhà phát triển bất động sản trong nước.
Giai đoạn 2019-2020 quy mô các thương vụ giao dịch chuyển nhượng ngày càng gia tăng giá trị, có sự xuất hiện của những nhà đầu tư có tên tuổi rất lớn trên thị trường quốc tế với giá trị danh mục quản lý nhiều tỷ đô la. Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tính quy mô của dòng tiền đầu tư, hiệu suất sinh lợi cao, tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn non trẻ và đang phát triển. Dù các giao dịch này vẫn đang trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý, đây vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực của thị trường BĐS Việt Nam bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của thị trường và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.
Phương Uyên
>> Những thương vụ M&A BĐS công nghiệp nổi bật 9 tháng đầu năm 2020
>> Ông lớn BĐS đang toan tính gì sau các thương vụ thâu tóm đất vàng?
>> Hậu Covid-19, đại gia địa ốc tranh nhau thâu tóm quỹ đất
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet