Nhà loang lổ, ố vàng vì tôi quên chống thấm chân tường
Anh Xuân Vũ (38 tuổi, đang sống tại Tp.HCM) mới quét sơn được nửa tháng thì tường nhà đã bị ngấm nước, loang lổ rất mất thẩm mỹ.
Dưới đây là chia sẻ của anh Vũ:
Năm 2010, tôi xây ngôi nhà một trệt, một lầu có tổng diện tích sàn là 134m2. Khi đó, tôi khá cầu kỳ, chăm chút cho ngôi nhà nhưng lại chỉ chú ý đến phần trang trí như chọn gạch lát nền đắt tiền, lắp đèn nhấp nháy trên trần nhà... Còn những phần về chất lượng, kỹ thuật xây dựng, tôi lại mặc cho mấy ông thợ vườn làm.
Nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ, cách nhà tôi 3 căn về phía cuối hẻm là một con kênh. Cứ vào mùa mưa hay khi triều cường lên, con hẻm lại bị ngập nước. Tôi cứ đinh ninh là làm nền nhà cao hơn đường 20cm sẽ không sao nên không chống thấm cho chân tường. Một năm sau, con hẻm nâng nền nên đường trước cửa cao hơn nhà tôi đến 30cm. Nhà tôi thành ao hứng nước, một số đồ đạc bằng gỗ và mây ở tầng 1 bị hỏng, chân tường cũng bị loang lổ.
Vì tốn khá nhiều tiền xây nhà nên khi sửa lại, tôi tiết kiệm tối đa chi phí. Tôi và mấy lao động phổ thông dỡ gạch lát nền cũ, đổ xà bần vào rồi mua cát, xi măng, gạch hoa lát lại nền tầng trệt. Đáng ra để giải quyết triệt để vụ chân tường bị thấm nước, tôi phải cạo lớp vôi vữa ở chân tường cũ lên cao khoảng 1,5m rồi trát lại, phun thêm chất chống thấm. Nhưng khi đó, tôi cứ nghĩ chỉ cần sơn qua là hết vết ẩm mốc.
Sau đó, dù con hẻm không còn bị ngập nhưng tường nhà tôi vẫn bị ngấm nước khủng khiếp. Phần chân tường bị ngấm nước loang lổ, ố màu. Tết nào tôi cũng phải sơn lại nhà nhưng chỉ được nửa tháng là đâu lại vào đấy. Vì thế ngôi nhà trông rất cũ kỹ.
Đầu năm nay, tôi lát gạch hoa trắng cho chân tường cao đến 1m5. Ngôi nhà nhìn sáng sủa hơn nhưng các phòng đều bị chê là nhìn như nhà tắm.
Chân tường ngấm nước là hiện tượng khá phổ biến. Ảnh: Sibenik
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (Tp.HCM), hồ dầu (xi măng hòa nước ở dạng sệt), vữa, xi măng có bản chất là hấp thụ nước, càng cũ chúng càng thấm nước mạnh. Khi hơi ẩm nhiều, chúng sẽ hút và đưa một phần nước theo mạch lan lên phần tường trên, phần còn lại ở chân tường gây nấm mốc.
Ông Truyền nêu ra những nguyên nhân khiến chân tường bị ngấm nước:
1. Nhà nằm gần sông suối, ao hồ, mạch nước ngầm. Hơi ẩm từ nền đất theo mạch vữa lan lên cao. Chiều cao hơi ẩm dâng lên phụ thuộc vào độ rỗng của vữa, gạch và độ ẩm của khu vực. Nếu khu vực xây nhà hay bị ngập nước, bạn cần nâng cốt nền nhà, dùng vật liệu chống thấm ngay từ khi tô vữa và dùng đà kiềng bê tông kháng nước nhằm hạn chế hiện tượng mao dẫn.
2. Hiện tượng thấm dột còn phát sinh do công trình đã xây lâu năm, bị xuống cấp hoặc do địa chấn có sự thay đổi.
3. Do lỗi khi thi công công trình: làm giằng móng thấp hơn nền nhà; không thi công móng bê tông cách thấm ẩm; thợ không dùng đủ vữa, xi măng, tạo lỗ rỗng giữa các viên gạch ở móng và chân tường; chống thấm không đúng quy trình...
Về giải pháp khắc phục, ông Truyền cho biết nên dựa vào nguyên nhân để chọn giải pháp phù hợp.
Giải pháp ốp đá hoặc gạch trang trí như anh Vũ cũng là một cách nhưng sẽ làm giảm thẩm mỹ của ngôi nhà. Nếu làm theo cách này, bạn nên hỏi ý kiến của kiến trúc sư về độ cao của mảng gạch và cách phối màu. Việc ốp gạch men bên ngoài nên thực hiện song song với việc xử lý chống thấm.
Một giải pháp khác là đục bỏ hàng chân tường và đổ bê tông hoặc vữa tự chảy, tạo dầm cách ẩm, đục toàn bộ lớp vữa trát khoảng tường, quét chống thấm rồi trát lại bằng phụ gia trộn với vữa tốt. Đã từng sử dụng một vài loại chống thấm hữu cơ, ông Truyền thấy loại sản phẩm này có tác dụng rất tốt, hơn 10 năm vẫn chưa bị thấm lại.
Một phương pháp mới khác là bơm hóa chất dạng lỏng vào chân tường, khoan thẳng hoặc khoan nghiêng mạch sau đó bơm hóa chất vào.
Kiến trúc sư Truyền cũng khuyên, tốt nhất, chủ nhà nên chống thấm cho chân tường ngay từ khi xây dựng công trình. Khi đã bị thấm, việc khắc phục sẽ tốn thời gian và chi phí hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet