Nhiều ngân hàng giảm lãi suất: Thời cơ có dành cho bất động sản?
Mới đây, nhiều ngân hàng vừa công bố giảm lãi suất khiến không ít người hi vọng bất động sản sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bất động sản nằm ngoài các lĩnh vực mà ngân hàng giảm lãi suất.
Bất động sản không được ưu tiên giảm lãi suất
Nhiều ngân hàng vừa đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay trong năm 2019. Đơn cử, Vietcombank cho biết đã bắt đầu giảm 0,5% lãi suất cho vay trong năm nay. Theo đó, mức tối đa của lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam là 6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với mức trần mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Mức lãi suất này áp dụng cho tất cả các khoản vay đang còn dư nợ và các khoản vay mới phát sinh trong năm 2019 tại Vietcombank. Đối với các khoản vay trung dài hạn bằng VNĐ hiện tại của doanh nghiệp, mức giảm cũng được áp dụng đồng loạt là 0,5 điểm %/năm.
Tương tự, một số ngân hàng khác như Agribank, Vietinbank, BIDV, VPBank... cũng công bố lãi suất cho vay sẽ giảm phổ biến ở mức 0,5 điểm phần trăm/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho VNN biết: "Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chỉ với các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việc giảm lãi suất như vậy thể hiện các ngân hàng thương mại đồng hành với Chính phủ trong các lĩnh vực ưu tiên. Còn lĩnh vực bất động sản không nằm trong số những lĩnh vực ưu tiên này. Và việc ngân hàng giảm lãi suất như vậy cũng không có tác động gì tới thị trường bất động sản."
Tương tự, vị tổng giám đốc một công ty bất động sản cũng cho biết việc giảm lãi suất này chỉ ưu tiên một số lĩnh vực về sản xuất. “Chủ trương trong năm 2019 là hạn chế cho vay bất động sản. Tôi được biết hiện lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với năm 2018”, vị này cho hay.
Việc siết tín dụng cho vay bất động sản trong năm 2019 không chỉ gây khó khăn cho doanh
nghiệp mà người vay mua nhà cũng không dễ dàng. Ảnh minh họa
Năm 2019 bất động sản khó tiếp cận tín dụng hơn
Ông Châu cho rằng, bất động sản sẽ không được giảm lãi suất đồng thời còn bị hạn chế tín dụng. “Cái được ưu đãi là nhà ở xã hội còn chưa tiếp cận được nguồn vốn, nói gì tới các doanh nghiệp thương mại”, chủ tịch HoREA chia sẻ.
Đồng thời, trong năm 2019, các ngân hàng cũng sẽ thực hiện thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước năm 2018. Cụ thể, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn, để cho vay trung hạn và dài hạn. Đây chính là một cách hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và cũng có nghĩa là lĩnh vực này sẽ khó tiếp cận với vốn tín dụng hơn so với năm 2018 trở về trước.
“Do đó không có chuyện giảm lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản, thậm chí còn tiếp cận khó hơn, tài sản thế chấp bị đánh giá thấp hơn, hệ số rủi ro mặc dù vẫn giữ ở mức 200% nhưng ngân hàng lại giảm tỷ lệ cho vay. Ví dụ trước đây tài sản thực là 100 tỉ đồng thì chỉ được đánh giá là 60% tức là 60 tỉ đồng. Rồi họ cho vay 60% của 60 tỉ đồng đó, tức là được vay 36 tỉ đồng.
Hiện tại tài sản đảm bảo thực chỉ được đánh giá khoảng 50%, và chỉ cho vay khoảng 50% trong số tài sản đảm bảo đã được đánh giá đó. Tức là có tài sản đảm bảo 100 tỉ đồng cũng chỉ được vay 25 tỉ đồng”, ông Châu cho biết.
Ngoài ra, còn một vấn đề nữa được ông Châu chỉ ra với lĩnh vực bất động sản và với nền kinh tế nói chung, đó là trần tín dụng tối đa trong năm 2019 không được vượt quá 14%. Như vậy việc tiếp cận tín dụng sẽ ngày càng khó hơn. Từ những yếu tố trên có thể thấy Nhà nước sẽ kiểm soát rất chặt chẽ nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản trong năm 2019, khiến quy mô tín dụng có thể thấp hơn năm 2018.
“Dự liệu được vấn đề này, ngay từ đầu năm 2018 tôi đã có 8 khuyến nghị. Đến báo cáo số 168 vào cuối năm 2018, HoREA bổ sung 8 khuyến nghị này một cách chi tiết hơn. Tôi cũng có nêu cảnh báo của HoREA đối với lãnh đạo Trung ương cũng như Tp.HCM. Đứng trước thực tế bất động sản Tp.HCM cũng như cả nước đang gặp khó khăn thì tôi phải cảnh báo ngay”, chủ tịch HoREA bộc bạch.
Trong khi đó, vị tổng giám đốc công ty bất động sản nói trên cho rằng: “Việc lãi suất cao, ngân hàng lại hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản, dẫn tới việc một số doanh nghiệp triển khai dự án trong năm 2019 sẽ gặp khó khăn, nếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Thậm chí người đi mua nhà muốn vay tiền ngân hàng để mua cũng bị hạn chế”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet