Những được mất ở siêu dự án Formosa (Hà Tĩnh) (Kỳ 2)
Chính quyền Hà Tĩnh đã lập quy hoạch và từng bước di dời người dân đến vùng đất mới để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa. Việc hàng nghìn hộ dân buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, rồi o ép dân trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền khiến cuộc sống của không ít người dân lâm vào khó khăn.
>>Những được mất ở siêu dự án Formosa (Hà Tĩnh) (Kỳ 1)
Tận khổ vì quy hoạch treo
Vũng Áng (Kỳ Anh) là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất Hà Tĩnh. Nắng nóng, cộng với gió Lào, rồi những cơn bão dữ quần thảo hằng năm khiến cuộc sống người dân cực khổ.
Theo các bậc cao niên trong vùng, chính vì sự khắc nghiệt của vùng đất này, nên ngày xưa những người có tội trạng với triều đình đều bị lưu đày tới đây.
Qua bao thế hệ, bằng sự kiên gan trước thiên tai, địch họa, cha ông mới xây dựng nên những làng mạc như ngày hôm nay. Và biệt danh “vùng đất đi đày” vẫn theo mãi người dân từ bấy đến giờ. Rồi Khu Kinh tế Vũng Áng thành lập, dự án Formosa triển khai, vùng đất này nằm trong diện quy hoạch dành mặt bằng cho dự án.
Anh Chu Sỹ Hạ phải tháo dỡ nhà để con dâu không bị đuổi việc Ảnh: Bảo Anh Anh Chu Sỹ Hạ phải tháo dỡ nhà để con dâu không bị đuổi việc |
Ai may mắn thì được đền bù giải tỏa trước, còn không thì sống lay lắt trong vùng quy hoạch: Không được phép xây mới hay cơi nới, sửa sang nhà cửa. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, gia đình khá giả thì mua đất nơi khác cho con làm nhà, còn đa số cả mấy thế hệ chui rúc trong ngôi nhà rách nát.
Anh Trần Quốc Vũ, một người dân thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi cho biết: Để chắc ăn vùng quy hoạch không có trường hợp xây dựng, cơi nới, sửa chữa, từ lâu chính quyền đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) của huyện lập chốt tại đường vào Cảng Vũng Áng, không cho xe chở vật liệu (sắt, thép, xi măng, gạch, ngói…) đi vào khu vực quy hoạch.
“Do không được sửa chữa, gia cố nên trang trại của tôi tan hoang vì mấy trận bão lớn trong năm 2013 vừa rồi” - anh Vũ cho biết.
Đúng như lời anh Vũ nói, ngay trên đường vào cảng Vũng Áng, thường xuyên có một ô tô tải nhẹ, cùng 3 - 4 CSGT túc trực, cấm xe chở vật liệu qua lại.
“Có lần tôi chở xi măng vào cung cấp cho nhà thầu dự án Formosa, nhưng vì đi lạc đường nên đã bị CSGT chặn lại không cho qua. Họ nghi tôi chở nguyên vật liệu vào cho người dân xây nhà” - anh Nguyễn Nam, một lái xe tải kể lại.
Liên tục bị dọa đuổi việc
Thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi những ngày này được xem là “điểm nóng” khi chính quyền ra quân giải tỏa dành đất xây dựng khu hậu cảng. Khi chúng tôi đến Hải Phong cũng là lúc ông Chu Sỹ Hạ (49 tuổi) đang phải tháo dỡ nhà cửa, quán hàng.
Ông Hạ kể: Con dâu Chu Thị Hoài đang dạy ở trường mầm non trên địa bàn xã liên tục kêu cha phải tháo dỡ nhà cửa, quán hàng, nếu không cô hiệu trưởng sẽ cho nghỉ việc.
“Vì thương con, tôi đã dỡ xong phần mái. Họ đến kiểm tra bảo dỡ thế vẫn chưa được. Phải dỡ hết con dâu tôi mới không bị đuổi việc” - ông Hạ nghẹn ngào.
Gần nhà anh Hạ, anh Nguyễn Văn Thành cũng phải tháo dỡ nhà xây dựng trên đất ông cha để lại vì bị “sếp” dọa đuổi việc. Ô tô chất đầy đồ để chuẩn bị chở đi gửi nhà người quen. Để sinh hoạt, anh Thành che tạm lán bên cạnh tường nhà.
“Tôi bị lãnh đạo cơ quan ép, bắt phải di dời nhà cửa nếu không sẽ mất việc làm” - anh Thành nói. Được biết, anh Thành hiện là công nhân làm việc tại Cảng Vũng Áng với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng.
Anh Chu Văn Hánh (37 tuổi), có một vợ và ba con. Anh Hánh làm nhà được 6-7 năm nay. Anh chuyên làm gạch táp lô, bán vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 công nhân. “Trước thì họ gửi công văn dọa sẽ cắt điện, sau bảo nếu không tháo dỡ nhà xưởng sẽ bị cưỡng chế. Nay công nhân đã nghỉ hết, vợ chồng con cái sống không yên ổn, không công ăn việc làm” - anh Hánh nói.
Gia đình ông Văn Anh làm nhà từ khi chưa có dự án Cảng Vũng Áng. Nay, chính quyền bảo phải dỡ nhà, nhưng không có quyết định thu hồi đất, không đền bù đất cũng như hỗ trợ tài sản trên đất. “Tôi dỡ nhà thì vợ chồng, hai con trai, hai con dâu và 7 đứa cháu biết ở đâu. Tôi đã nhiều lần kêu lên huyện, huyện đổ về xã; hỏi xã, xã bảo đây là chủ trương của tỉnh. Thử hỏi, bây giờ tôi biết kêu ai. Ai sẽ lo cho cuộc sống của chừng đó con người trong gia đình tôi - ông Anh bức xúc.
Văn bản “lạ” của UBND huyện
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thời gian qua, UBND huyện Kỳ Anh đã ra nhiều văn bản “lạ” nhằm ép người dân phải tháo dỡ công trình. Ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký công văn yêu cầu cắt điện, nước của dân và buộc các giáo viên nghỉ việc để vận động người nhà tháo dỡ công trình.
Còn ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lại có công văn đề nghị Ban thường vụ huyện này kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên, đồng thời đề nghị Huyện ủy có ý kiến chỉ đạo để UBND huyện có những biện pháp, hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức, viên chức liên quan giải phóng mặt bằng. Công văn này kèm theo danh sách của 57 người thuộc diện bị kiểm điểm.
Người dân Hải Phong đến trụ sở báo Tiền Phong tại Hà Nội kêu cứu |
Các văn bản “lạ” của UBND huyện Kỳ Anh đã bị phản ứng kịch liệt, nhiều đơn thư vượt cấp của người dân đã được gửi lên các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh. “Gia đình tôi không chống đối, bản thân không vi phạm kỷ luật nơi công tác.
Do hội đồng đền bù làm việc không rõ ràng, thu hồi nhưng làm sai lệch diện tích đất của gia đình tôi cả trăm mét vuông, nên tôi yêu cầu trả lời thỏa đáng. Trong khi chưa trả lời công dân thì bỗng dưng huyện chỉ đạo giao cho nhà trường bắt tôi nghỉ việc” - một thầy giáo ở xã Kỳ Phong bị nghỉ việc bức xúc.
Một nữ giáo viên ở xã Kỳ Ninh cho biết: Gia đình có gần 500m2 đất được cấp sổ đỏ hẳn hoi. Do cần tiền, gia đình cô đã bán cho người khác một phần đất. Khi người này khởi công xây dựng công trình thì bị đình chỉ và họ chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, không hiểu sao trên huyện trát công văn về trường yêu cầu kỷ luật Đảng nữ giáo viên này.
“Chi bộ Đảng đã không kỷ luật tôi, khi tôi đưa ra các giấy tờ chứng minh thửa đất đó tôi đã bán cho người khác: Như giấy tờ chuyển nhượng và cam kết của người được chuyển nhượng đó là đất của họ đã mua. Không kỷ luật được tôi về mặt Đảng, trên huyện lại ép nhà trường kỷ luật tôi về mặt chính quyền. Vì thấy huyện quá quyết liệt nên nhà trường đành thành lập hội đồng và kỷ luật tôi ở mức cảnh cáo” - nữ giáo viên này nói.
* Tháng 1/2014, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, GPMB các công trình trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Khu kinh tế Vũng Áng. Trong đó, chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh: “Phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng rà soát, kiểm tra các chủ sử dụng đất trong vùng quy hoạch khu hậu cảng, phân loại cụ thể để xử lý từng trường hợp và lập phương án bồi thường, GPMB, tháo dỡ các công trình trong khu quy hoạch hậu cảng dứt điểm trước ngày 30/3/2014”. * Sau nhiều nỗ lực liên lạc với lãnh đạo huyện Kỳ Anh để hỏi về những vấn đề đang diễn ra trên địa bàn không thành, chúng tôi đã trực tiếp đến Văn phòng UBND huyện để đăng ký lịch làm việc, tuy nhiên theo thông báo của Văn phòng thì lãnh đạo huyện đã kín lịch nên chưa thể sắp xếp. Qua trao đổi với ông Võ Tá Cương, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Kỳ Anh, ông Cương khẳng định: Việc cưỡng chế giải tỏa mặt bằng của huyện được thực hiện đúng luật. Các trường hợp đang giải tỏa ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi mà không đền bù là có lí do của nó. Trước đây, xã Kỳ Lợi đã cho một số hộ dân mượn đất công để xây dựng hàng quán, nay Nhà nước cần thì phải lấy lại chứ không thể đền bù. Còn các văn bản của huyện yêu cầu nghỉ việc hay kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.. liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng không sai. Đã là cán bộ đảng viên thì phải chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, còn vi phạm thì phải kỷ luật. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet