Nới rộng cơ sở pháp lý trong đầu tư khu công nghiệp
Cơ sở pháp lý cho việc đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế không còn rải rác ở nhiều văn bản pháp luật mà được quy về một mối.
Để thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT). Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc đầu tư vào các KCN, KKT đã được quy về một mối thay vì rải rác ở nhiều văn bản pháp luật.
Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung 24 điều đã được quy định tại Nghị định 164, Nghị định 29, Nghị định 114 để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời 14 điều đã được bổ dung về các nội dung: bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KKT; điều chỉnh giảm quy hoạch KCN; nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý; các mô hình KCN mới. Bộ KH&ĐT khẳng định, việc ban hành Nghị định sẽ phân cấp ủy quyền theo cơ chế “một cửa tại chỗ” cho Ban Quản lý KCN, KKT.
Tháo rào đầu tư khu công nghiệp
Từ cuối năm 2015, hạ tầng KCN và nhà xưởng đã được giới đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt chú trọng. Báo cáo BĐS công nghiệp của bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Công ty TNHH Savills Việt Nam dự báo, so với nửa cuối năm 2015, năm 2016, tổng diện tích cho thuê tại các KCN tăng 5%. Nguồn cung tăng, song công suất cho thuê tăng cao hơn, lên mức 70%. Savills khẳng định: “Cùng với sự cộng hưởng từ dòng vốn FDI không ngừng chảy vào Việt Nam, đây là một tín hiệu cho thấy nhu cầu mở rộng sản xuất và thuê mới nhà xưởng của các DN là rất lớn”.
Vì vậy, để tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư của các KCN, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các hình thức đầu tư mới cho phù hợp với nhu cầu của các DN vào KCN. Đây là những quy định được nhiều NĐT mong đợi trong thời gian qua. Quy định bổ sung này cho phép các KCN được xây dựng nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Từ đó, tạo điều kiện cho các DN sản xuất các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ và các DN khác có nhu cầu thuê nhà xưởng quy mô nhỏ và rất nhỏ.
Điều 21 của dự thảo Nghị định quy định về ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT. Để khuyến khích các DN có quy mô lớn đầu tư vào KCN, KKT, các quy định được đưa ra dựa trên quy định tại Luật thuế Thu nhập DN và thẩm quyền của Chính phủ. Các dự án được hưởng mức ưu đãi thuế suất 10% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập DN 4 năm và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo trong KKT.
Đây là mức ưu đãi thuế cao nhất dành cho các dự án đầu tư có quy mô 6.000 tỷ đồng giải ngân không quá 3 năm hoặc sử dụng trên 3.000 lao động; dự án đầu tư vào những ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư có quy mô 12.000 tỷ đồng giải ngân không quá 5 năm và những dự án đầu tư vào hạ tầng kinh tế kỹ thuật (điện, nước…).
Một nội dung quan trọng khác của Nghị định là bổ sung mô hình các KCN kiểu mới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các KCN qua việc đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư (KCN hỗ trợ, KCN đô thị dịch vụ), ngành nghề, sử dụng hiệu quả tài nguyên (KCN sinh thái), làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh qua sản xuất sạch hơn. Các quy định này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam khuyến cáo, để thu hút NĐT và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các KCN, các địa phương cần tìm giải pháp kích thích phát triển các khu đô thị thương mại, nhà ở, qua đó thu hút người dân về sinh sống. Chính vì vậy, việc bổ sung các mô hình KCN mới là giải pháp để thu hút đầu tư vào mô hình hỗn hợp khu đô thị với KCN. Từ đó, thu hút nhiều hơn các DN thứ cấp vào KCN.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet