Nông dân mất ruộng vì khu công nghiệp - dân cư
Thời gian gần đây nhiều khu công nghiệp (KCN), khu dân cư (KDC) đã mọc lên ở ĐBSCL. Sự thay đổi đó đang "ngốn" nhiều đất sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống nông dân, trong đó không ít trường hợp cuộc sống đi xuống vì phải ly nông.
Tại nhiều tỉnh ĐBSCL, đất nông nghiệp đã được chuyển thành KCN, KDC. Nhưng thật trớ trêu, không ít KDC lèo tèo, còn KCN thì đang bỏ hoang, nông dân mất nghề phải chịu cảnh ly nông.
Tại KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) mới có một nhà máy đang xây dựng,
người dân bị lấy đất phải sống lây lất, tạm bợ - Ảnh: Đ.VỊNH.
Khu công nghiệp bỏ hoang
Ba tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau đã được Chính phủ phê duyệt phương án điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Tại Sóc Trăng, nếu như ba năm trước đất dành cho KCN chỉ có 253ha thì đến năm 2010 con số này sẽ tăng lên 1.024ha.
Theo kế hoạch phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỉnh Sóc Trăng xác định từ nay đến năm 2010 sẽ phát triển sáu KCN. Trong đó, ngoài KCN Trần Đề nằm gần cửa biển nên ít ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, các KCN còn lại đều được qui hoạch trên đất ruộng vườn.
Gần cửa ngõ vào TP Sóc Trăng, KCN An Nghiệp nằm cạnh quốc lộ 1A có diện tích 178ha cũng là ngần ấy đất lúa của hàng trăm người dân TP Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú đã và đang bị xóa sổ. Nhiều nông dân sau khi bị giải tỏa trắng đã tranh thủ vào gieo sạ trên những thửa đất chưa có nhà đầu tư thuê để mong kiếm vài chục giạ lúa chà gạo ăn đắp đổi qua ngày. Trong khi ngân sách của tỉnh đang đuối sức với nhiều dự án thì mới đây KCN Cái Côn tại xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng được khẩn trương thực hiện trên diện tích 149ha, đẩy 218 hộ dân vào cảnh ly nông.
Lão nông Nguyễn Văn Đây ở xã An Lạc Thôn thở dài nói: "Đất đai ở đây rất màu mỡ, 20 công ruộng mỗi năm làm lúa ba vụ gia đình tôi thu hoạch được khoảng 60 tấn lúa nên không sợ thiếu tiền cho con cháu ăn học. Tới đây khi KCN Cái Côn mọc lên tôi chẳng biết phải bám víu vào đâu, vì hai vợ chồng già không biết phải làm gì để sống khi không còn cục đất chọi chim".
Tại Bạc Liêu, KCN Trà Kha nằm ở phường 8, thị xã Bạc Liêu cũng được triển khai trên đất trồng lúa. Trước đây dự án này được qui hoạch rộng trên 200ha nhưng do nhiều lý do khách quan nên hiện chỉ còn gần 90ha. Đây là KCN đầu tiên của Bạc Liêu đã được triển khai nhiều năm nay nhưng hiện chỉ mới mọc lên duy nhất nhà máy sản xuất bia.
Tới đây không chỉ có KCN Trà Kha mà nhiều KCN khác ở các huyện cũng mọc lên vì theo nghị quyết điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất đến năm 2010, diện tích đất trồng lúa ở Bạc Liêu giảm từ 73.670ha xuống còn 62.034ha và đất dành cho KCN tăng từ 51ha lên 857ha.
Tại Cà Mau, các KCN cũng lần lượt ra đời. Trong đó, KCN Khánh An và KCN Hòa Trung đã "ngoạm" trên 700ha đất nông nghiệp. Ông Tám Hoàng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nói với giọng buồn: "Nông dân tụi tôi có vài công ruộng làm lúa, tuy không giàu nhưng nếu chăm chỉ làm ăn thì không bao giờ sợ đói. Bây giờ thấy đền bù được nhiều tiền nhưng không có công ăn việc làm ổn định thì ôm tiền xài một thời gian sẽ trở thành trắng tay, con cháu lớn lên không biết lấy đất đâu để trồng lúa nuôi miệng".
Sau khi san lấp tạo mặt bằng cho KCN Trần
Quốc Toản, những khu đất ruộng phía sau nhà
máy không thể trồng được lúa - Ảnh: Đ.VỊNH.
Khu dân cư, tái định cư thưa thớt
Không chỉ có KCN, tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều khu đô thị mới (KĐTM), KDC cũng đang đua nhau mọc lên. Tại TP Cà Mau hiện có trên 10 dự án xây dựng KDC, KĐTM… được qui hoạch trên hàng trăm hecta đất trồng lúa. Để giảm chi phí đền bù, hầu hết các nhà đầu tư đều lập dự án trên đất nông nghiệp nhưng sau đó lại bán nền nhà với giá cao làm người dân bức xúc.
Thế nhưng đa số các KDC, KĐTM này được triển khai nhiều năm nhưng rất ít người vào ở. KĐTM Bạch Đằng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau có qui mô 170ha sau nhiều năm triển khai đến nay chỉ có vài dãy nhà liên kế và khoảng 30 căn hộ mua nền cất nhà nên rất trống vắng. Tương tự, dự án KĐTM tại phường 1 và phường 9 có diện tích 71ha, thực hiện từ năm 2005 nhưng hiện chỉ có ba bốn ngôi nhà được xây dựng!
Còn tại Kiên Giang, "nổi bật" nhất là khu đô thị, trung tâm thương mại U Minh (huyện An Biên) và KDC huyện An Minh. Hàng trăm hecta đất trồng lúa đã bị thu hồi để bơm cát vào xây dựng khu đô thị nhưng rồi treo để đó hơn bốn năm nay. Điều đáng nói là khu đô thị và dân cư này lại không được người dân đồng tình.
Một người nguyên là cán bộ xã Đông Hòa (An Minh) nói: "Hàng trăm hộ dân đang sống bằng nghề nông giờ thu hết đất đai, lại không có hỗ trợ để họ chuyển đổi nghề nghiệp thì họ sống thế nào? Việc đền bù cũng hết sức bất hợp lý. Thu của người ta mấy ngàn mét đất mà đền còn không đủ mua nền tái định cư thì họ ở đâu bởi hầu hết đều là nông dân nghèo...".
Ở Sóc Trăng, một trong những dự án được xem là hoành tráng nhất ở TP Sóc Trăng hiện nay là dự án khu đô thị và tái định cư 5A được qui hoạch tại phường 4, TP Sóc Trăng có tổng diện tích 177ha. Cách dự án khu đô thị và tái định cư 5A không xa, dọc đường Lê Duẩn, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) hiện nay đang hình thành khu tái định cư nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân bị giải tỏa bởi chính dự án này. Còn ở phường 7 và một phần của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), sau khi hàng trăm hộ dân bị mất đất làm lúa vì KCN An Nghiệp thì nay tiếp tục có 146 hộ phải ly nông do đã có một khu dân cư được qui hoạch trên diện tích gần 36ha.
Hết ruộng là hết tiền
Bà Diệp Kim Hương (Sóc Trăng) cho rằng tuy chỉ có gần 2 công ruộng nhưng không sợ con cái đói vì nơi này làm lúa rất trúng mùa. Nếu bị thu hồi hết đất chắc chắn sau này con cháu phải đi làm mướn kiếm sống. Bà Ký Thị Ngọc Hoa nhìn ruộng lúa sắp trở thành khu tái định cư mà không cầm được nước mắt: "Không ai muốn mất ruộng cả, nếu ham tiền thì người ta đã bán ruộng hết rồi. Tuy được đền bù vài trăm triệu đồng nhưng ông bà xưa nói còn ruộng là còn tiền, hết ruộng là hết tiền nên ai cũng đau lòng khi bị thu hồi đất".
Cái cũ chưa xong định làm thêm cái mới
Tại An Giang, KCN Bình Long ở huyện Châu Phú qui hoạch từ năm 2001 tới nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh và hiện mới có nhà máy nước và một nhà máy chế biến thủy sản đang triển khai xây dựng. KCN Bình Hòa ở Châu Thành cũng tương tự. Tuy vậy, tỉnh lại dự kiến mở rộng mỗi KCN thêm 100-150ha; ngoài ra còn phê duyệt qui hoạch thêm KCN rộng 60ha ở xã Mỹ Phú, Châu Phú và KCN Vàm Cống 200 ha ở phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên. Tất cả đều "định vị” ngay trên các cánh đồng chuyên canh lúa...
Theo Tuổi Trẻ Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet