Ở nước ngoài, thừa kế nhà tại VN
Hỏi: Trước khi mất năm 2005, cha mẹ tôi có đến công chứng làm di chúc cho 7 anh chị em chúng tôi (hiện nay tất cả đều ở Mỹ) một ngôi nhà.
Chúng tôi dự định ủy quyền cho một người trong số anh chị em về Việt Nam nhận tài sản.
- Giấy ủy quyền này ngoài việc xác nhận chữ ký (notary) theo thủ tục của Mỹ có cần thêm sự xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ hay không?
- Để công việc được tiến triển thuận lợi chúng tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì?
- Có giới hạn thời gian về việc nhận tài sản thừa kế hay không?
- Chúng tôi đều ở nước ngoài, không có quyền đứng tên chủ sở hữu nhà ở Việt Nam, chúng tôi có thể ủy quyền cho người thân trông coi trong thời gian làm thủ tục chuyển nhượng để lấy phần giá trị tài sản của căn nhà không?
(Trần Hùng)
Trả lời:
Với câu hỏi mà ông đưa ra, chúng tôi xin trả lời như sau:
- Nếu ông và các đồng thừa kế lập giấy ủy quyền bằng tiếng Việt thì chỉ cần tới cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để làm thủ tục xác nhận chữ ký là có giá trị pháp lý tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu ông và các đồng thừa kế lập giấy ủy quyền bằng tiếng Anh và xác nhận chữ ký tại cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ thì phải làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Thông tư số 01/1999/TT-NG của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
- Để công việc được tiến triển thuận lợi, ông và các đồng thừa kế cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
+ Bản di chúc
+ Giấy ủy quyền cho một người đại diện về Việt Nam làm thủ tục nhận tài sản.
+ Giấy tờ nhân thân của những người được nhận thừa kế theo di chúc (chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu). Nếu giấy tờ viết bằng tiếng nước ngoài phải được dịch công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Thông tư 01/1999/TT-NG.
- Bộ luật dân sự Việt Nam không quy định về giới hạn thời gian nhận thừa kế. Nếu sau 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, người nhận di sản không có văn bản từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản. Tuy nhiên, để tránh những phát sinh tranh chấp, ông và các anh chị em được hưởng thừa kế cần tiến hành ngay các thủ tục cần thiết để nhận di sản để lại theo di chúc.
- Theo các quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 90/NĐ-CP ngày 6/9/2006 hướng dẫn thi hành thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài (đã nhập quốc tịch nước ngoài) không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà chỉ được hưởng phần giá trị từ việc chuyển nhượng ngôi nhà mà bố mẹ ông để lại sang cho bên thứ ba.
Trong thời gian đó, ông và các đồng thừa kế khác có thể chỉ định người khác quản lý di sản nói trên.
Theo Đô thị
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet