Phòng trà lãng mạn của ca sĩ Cẩm Vân
Đam mê cái đẹp và trang trí nội thất, không gian phòng trà do NSƯT thiết kế đậm chất trữ tình.
Yêu tất cả những gì thuộc về cái đẹp, mê trang trí nội thất, mê con, và thích nấu ăn… người phụ nữ với mái tóc ngang vai “thiên niên kỷ” và chất giọng trầm sâu thẳm của "Bài ca không quên" đã trở thành một biểu tượng đẹp của dòng nhạc nhẹ suốt bao năm qua.
Rẽ lối sang kinh doanh, con người nghệ sĩ của chị đã phải đối mặt với bao lọc lừa, khổ ải. Nhưng rồi lại chính âm nhạc và tình yêu của khán giả đã cứu sống chị, tiếp thêm nghị lực để vượt qua những ngày giông bão. Gặp Cẩm Vân tại phòng trà của chị ở đường Phạm Ngọc Thạch, vẫn nụ cười chân thật, duyên dáng, chị kể về những ngôi nhà, và những thăng trầm đã làm nên một bản lĩnh thật mạnh mẽ nhưng cũng rất đàn bà.
Cẩm Vân và Khắc Triệu đã tạo dựng một không gian giải trí đậm phong cách Sài Gòn.
Một chỗ có thể ngồi uống càphê và ăn sáng, ăn trưa. Tối thì mọi người cùng nhau ca hát, thưởng thức âm nhạc...
Chị muốn tạo một không gian giải trí như thế nào cho người Sài Gòn?
Từ lâu, Cẩm Vân và Khắc Triệu đã muốn tạo dựng một không gian giải trí đậm phong cách của người Sài Gòn. Một chỗ để có thể ngồi uống cà phê sáng, ăn trưa với nhau, tối thì cùng nhau hát, hoặc cùng nhau thưởng thức ca nhạc… Nghĩa là rất nhiều trong một.
Vân thích nhất là những buổi sáng chủ nhật, anh em nghệ sĩ tụ họp về đây ăn sáng uống càphê và chơi nhạc ngẫu hứng với nhau. Đó là những cuộc gặp gỡ rất tự nhiên, tình cờ, nhưng ấm áp vô cùng. Có những người bạn rất thân cả chục năm rồi không gặp lại tái ngộ ở đây, những ca sĩ trẻ mới bước chân vào nghề, những nghệ sĩ kèn, violon, guitar, cả những ca sĩ nhí trong cuộc thi The Voice Kids… cùng nhau hoà điệu rất hào hứng.
Buổi tối ở đây là hai không gian âm nhạc khác nhau, phần cho nhạc sống trên lầu, do anh Khắc Triệu đảm nhận, và phần hát với nhau bên dưới dành cho khán giả. Với một không gian lớn thế này, ban đầu cũng áp lực lắm. Nhưng may mắn là khản giả đã yêu mến không gian âm nhạc nơi đây, nhất là giới trẻ, giới doanh nhân, khách gia đình.
Về thiết kế, điểm nhấn nào giúp chị tạo sự khác biệt với những phòng trà khác?
Vân là người theo chủ nghĩa tối giản, thích những gam màu mạnh, tương phản. Và phần nữa là rất coi trọng thuật phong thuỷ, nhất là trong làm ăn. Vân mạng mộc, nên hạp với gỗ, gam màu nâu, đen. Còn anh Khắc Triệu mạng thổ, hạp màu vàng, đỏ. Để hài hoà hai mạng với nhau, Vân chọn gam màu đỏ và đen là chủ đạo, vì nó gây ấn tượng mạnh, sang trọng, dễ nhìn.
Thiết kế toàn bộ không gian chủ yếu bằng chất liệu gỗ, vừa ấm cúng, vừa sang trọng, rất gần với thiên nhiên. Bàn ghế ở đây thì hoàn toàn do Vân tự đi mua sắm, vì mình thích đồ độc, đồ lạ. Khi mình mua khăn trải bàn màu đen, ông xã đã nhảy dựng lên: “Tại sao lại màu đen?” Tính Vân hơi ngang bướng, lại hơi cầu kỳ, đã thích gì là làm bằng được. Đến khi trải lên bàn rồi anh ấy mới công nhận là thấy cũng hay hay.
Cẩm Vân là người theo chủ nghĩa tối giản, thích những màu mạnh.
Cẩm Vân mạng mộc hạp với gỗ, màu nâu đen. Khắc Triệu mạng thổ hạp màu vàng, đỏ.
Để hài hoà hai mạng với nhau, Cẩm Vân chọn gam màu đỏ, đen làm chủ đạo.
Chị đã từng hùn hạp với bạn bè mở phòng trà Lio, vì sao đến bây giờ, đúng lúc kinh tế khủng hoảng, anh chị lại quyết định đứng ra làm chủ?
Làm chung với người khác là sai lầm rất lớn mà chúng tôi đã phải đối diện, nhất là dính đến nghệ thuật. Trước tiên là mất bạn thân, sau đó là mất tiền. Dù không một tiếng cãi lộn, và cho đến giờ vẫn không biết chuyện gì xảy ra, nhưng tôi quyết định rất nhanh sau một tuần: hai vợ chồng cùng làm thôi, có gây thì gây với nhau, không tổn hại đến ai.
Vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu từng "hùn vốn" mở phòng trà Lio nhưng gặp thời khủng hoảng nên thất bại.
Không gian bên trong phòng trà Lilo trước đây
Được coi là thế hệ đầu đàn của nền nhạc nhẹ, nhìn vào đời sống nghệ thuật hôm nay, chị có buồn nhiều không?
Ba mươi năm qua đứng trên sân khấu biểu diễn, cùng trải qua biết bao lần thay da đổi thịt của Sài Gòn, tôi hiểu mỗi giai đoạn có một giá trị khác nhau. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn thích thời oanh liệt của mình nhất.
Khán giả thưởng thức nồng nàn, mình cũng trút hết tâm hồn. Đó là sự cống hiến từ hai phía. Còn bây giờ, nghệ thuật chỉ là một cách để kiếm tiền, không như ngày xưa chỉ biết hát, chẳng cần giá cátsê bao nhiêu?
Ngày xưa nghèo khổ nhưng ít bon chen, không đấu đá, chửi bới nhau như bây giờ. Ngay cả báo chí cũng khác, văn chương cũng khác, phê bình cũng khác. Có những tờ báo ngày xưa mình còn giữ đến bây giờ, hồi ấy nhà báo cũng là nghệ sĩ, giọng điệu rất khác biệt, rất riêng. Còn bây giờ tất cả các báo đều xài từ giống nhau, sợ nhất là từ “lộ hàng”, “ lộ diện”…
Có thể Vân lạc hậu, nhưng mình thích cái thời lạc hậu đó.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet