Quy hoạch Thủ đô: “Không sợ thiếu tiền, chỉ sợ thiếu thông tin”
Ngày mai (2/6), Chính phủ sẽ chính thức trình Quốc hội đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong thời gian qua, bản đồ án này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư… cũng đã bày tỏ ý kiến của mình với nhiều quan điểm khác nhau. Vậy mối quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội với quy hoạch Thủ đô như thế nào?
Từ hôm nay, VnEconomy xin giới thiệu với bạn đọc những góc nhìn đa dạng của đại biểu Quốc hội nói chung và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nói riêng về vấn đề này.
Để mở đầu cho loạt bài này là nội dung trao đổi của VnEconomy với TS. Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Quốc hội đã có nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì không thể không xem xét lộ trình tiếp theo, nên việc thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là hết sức cần thiết.
"Thời gian qua, vì thiếu quy hoạch tổng thể nên Thủ đô mới phát triển manh mún như vậy. Vì thế cá nhân tôi đánh giá bản đồ án là việc làm tích cực sau gần 2 năm mở rộng Thủ đô của Chính phủ. Bởi đó là một cách nhìn rộng hơn, cho 20 năm sau, bắt đầu từ bây giờ", ông Đào nói.
Thưa ông, là công dân Thủ đô, lại là đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, hẳn ông đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đồ án?
Tôi ủng hộ tư duy giãn đô tại đồ án, đó không phải là tư duy "dời đô" như nhiều ý kiến khác. Vì, xu hướng hiện đại thường tách trung tâm đô thị như là biểu tượng của quyền lực chính trị và trung tâm hành chính như là khu dịch vụ công. Bởi Nhà nước trong tương lai không phải là quyền lực lấn át mà phải là quyền lực dịch vụ. Như vậy Thủ đô sẽ có khu dịch vụ hành chính, đô thị sẽ giãn ra và người dân sẽ không phải chen chúc vào trung tâm hành chính chật hẹp như hiện nay.
Xin nhấn mạnh là tôi ủng hộ quan điểm đó.
Nhưng việc “giãn đô” đó có liên quan đến con số 90 tỷ USD tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ hơn nữa. Và nhiều ý kiến cũng nghi ngại khi Quốc hội cũng đang xem xét các dự án khác cần nguồn vốn khổng lồ. Ý kiến của ông thế nào?
Nếu cứ đưa bài toán kinh tế để mà quy chiếu, so sánh và toan tính thì có lẽ chả có công trình trọng điểm quốc gia nào thực hiện được. Nếu xét riêng về phương diện tài chính thì với một đất nước mà GDP hiện nay cứ cho cao nhất là 1.000 USD/người thì Quốc hội đang xem xét rất nhiều dự án vượt quá khả năng tài chính.
Song với những người theo chủ nghĩa lạc quan thì hiểu tài chính chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề. Hai mươi năm nữa, tăng trưởng khác đi, nguồn thu khác đi, ta cũng có thể có sự phối hợp giữa các quỹ quốc tế để xây dựng quy hoạch Thủ đô thật là khách quan.
Hơn nữa, đâu có thể làm ngay tất cả một lúc mà có lộ trình, chia ra nhiều năm, vì thế hàng năm đâu có phải ngay lập tức đổ vào lượng tiền khổng lồ, mà tịnh tiến dần theo cách không đủ tiền nhưng không tiếc tiền.
Tôi không băn khoăn tí nào về tiền, mà băn khoăn về vấn đề thông tin.
Ý ông là, người dân chưa có đủ thông tin về vấn đề quan trọng này?
Đúng là người dân đang thiếu thông tin nên mới đổ xô đi mua đất trong khi còn chưa rõ 20 năm sau thì chỗ đất đó sẽ thế nào. Bởi vậy rất cần thông tin đầy đủ cho dân để họ biết được kế hoạch xây dựng của 20 năm nữa là gì để còn dự liệu được cuộc sống trong tương lai. Chính phủ cũng cần phải niêm yết thông tin cụ thể và chi tiết hơn về giãn dân và giãn cư để khi cử tri hỏi thì đại biểu có thể trả lời được rõ ràng, chứ như bây giờ….
Thưa ông, nói như vậy tức là ngay cả đại biểu Quốc hội cũng chưa nhận được thông tin một cách đầy đủ?
Về tổng quan thì hiểu được, nhưng với những tài liệu có trong tay do Chính phủ cung cấp thì đại biểu chưa đủ dữ liệu để có thể có cái nhìn khách quan nhất. Ví dụ, chưa rõ trong đồ án là 20 năm nữa thì mức thu nhập của dân là bao nhiêu, mức độ giãn cư như thế nào, bao nhiêu trung tâm được xây dựng ở những đâu….
Theo tôi thì rất cần thông tin chi tiết hơn nữa, để đại biểu nhìn thấy tính hợp lý của quy hoạch, tránh tình trạng hiện nay một số việc cứ đồng ý thế thôi chứ khi cử tri hỏi cũng khó trả lời.
Vậy thì Quốc hội sẽ cho ý kiến thế nào trong tình trạng thiếu thông tin như thế, thưa ông?
Quốc hội sẽ xem xét tổng quan, như ý tưởng quy hoạch có hợp lý không, qua đó định hướng cho Chính phủ lộ trình tiếp theo thế nào. Thêm nữa quy hoạch cũng góp phần định hướng rõ cho đại biểu về những bước đi của Thủ đô trong 20 năm sau.
Hơn nữa, Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát của mình. Bây giờ mới đồng ý chủ trương nhưng những dự án tiếp theo của quy hoạch có mức đầu tư rất lớn không thể không qua Quốc hội phê duyệt. Khi xem xét khả năng đầu tư cho những dự án đó thì Quốc hội có thể giám sát được từng bước thực hiện của đồ án này. Chứ Quốc hội không thể cứ “gật” xong mà không giám sát được.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có quan điểm như thế nào về đồ án này, thưa ông?
Chúng tôi chưa họp riêng lần nào về vấn đề này.
Nhưng ý chung của đoàn, theo tôi hiểu, là chúng ta mở rộng Hà Nội mà thiếu quy hoạch thì không được, chỉ là vấn đề quy hoạch như thế nào mà thôi. Vì thế mỗi đại biểu tiếp cận theo cách riêng của mình và sẽ thể hiện quan điểm tại các buổi thảo luận tại tổ và hội trường như các đoàn khác thôi.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet