Quyền chia thừa kế nhà đất
Hỏi: Gia đình tôi có 7 anh chị em. Trước khi mất, bố mẹ tôi có để lại một ngôi nhà nhưng không để lại di chúc phân chia cho ai.
Năm 2007, cả 7 anh em chúng tôi thống nhất ủy quyền cho anh cả đứng tên sổ đỏ để xây nhà.Tôi thì từ năm lên 8 tuổi đã được bác họ nhận làm con nuôi (trong sổ hộ khẩu của nhà bác họ có ghi quan hệ với chủ hộ là con nuôi).
Năm 2011, anh cả tôi muốn bán ngôi nhà trên, vậy xin hỏi luật sư liệu khi bán nhà đi thì tôi và 6 anh em tôi có quyền được hưởng và đòi hỏi không? (Nguyễn Thanh Nhàn; Email: [email protected]).
Trả lời
Vì bạn không cung cấp cho chúng tôi biết biên bản ủy quyền nên chúng tôi không biết nội dung biên bản như thế nào và hình thức biên bản có thỏa mãn theo quy định của Luật Công chứng hay không?
Nếu ông bà nội ngoại của bạn đã mất, thời hiệu chia di sản thừa kế vẫn còn (không quá 10 năm); hình thức biên bản ủy quyền theo quy định của Luật Công chứng năm 2006; nội dung ủy quyền chỉ thể hiện là thống nhất ủy quyền cho anh cả sổ đỏ – để xây nhà; thì anh trai bạn không có quyền bán nhà đất – di sản thừa kế mà bố mẹ bạn để lại, bởi biên bản ủy quyền không có nội dung cho anh cả bạn được bán, tặng cho... Trường hợp nếu anh bạn có ý định bán và không chia cho các bạn thì các bạn phải làm đơn khởi kiện cùng tài liệu kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chia di sản thừa kế.
Tuy nhiên, vì anh cả bạn đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nên anh cả bạn vẫn có thể ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất tại phòng công chứng. Để bảo vệ quyền lợi cho các bạn thì các bạn phải tiến hành đồng thời vừa khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, vừa làm đơn Đơn đề nghị gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Văn phòng đăng ký nhà và đất quận huyện nơi có di sản; tất cả các phòng công chứng có thẩm quyền để yêu cầu không cấp lại và không tiến hành bất cứ giao dịch gì liên quan tới nhà đất – di sản thừa kế.
Tại điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Căn cứ vào quy định nêu trên thì dù bạn đã làm con nuôi của một người thì bạn vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn.
Theo bạn hỏi thì anh cả bạn đang có ý định bán nhà đất nêu trên và bạn cũng không biết được ý định phân chia của anh như thế nào, vì thế các bạn nên thỏa thuận để anh trai bạn biết được ý nguyện của các bạn. Để không mất hòa khí và tình cảm giữa anh em bạn, tốt nhất tất cả anh chị em bạn nên làm biên bản thỏa thuận chia tài sản với nội dung: nhà đất này chúng tôi thống nhất thỏa thuận để anh cả bạn đứng tên, tiện cho việc xây nhà và chuyển nhượng sau này; khi bán sẽ có phải thống nhất bàn bạc với các đồng thừa kế và phân chia theo tỷ phần như thỏa thuận (nên thỏa thuận cụ thể trong biên bản). Văn bản thỏa thuận này phải được công chứng. Việc thỏa thuận này sẽ giữ được tình cảm, đạo lý tốt đẹp trong gia đình và không phải mất án phí nếu phải khởi kiện chia thừa kế.
Luật sư Vũ Thị Hiên
(Theo Dantri)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet