Sẽ sớm chấm dứt tình trạng bộ ngành ôm “đất vàng”
Trụ sở của các bộ, ngành đã được xây mới với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách cùng 100ha đất sạch tại vị trí đắc địa của Thủ đô. Tuy nhiên, do thiếu chế tài quản lý và vẫn còn tâm lý nể nang nên suốt 15 năm qua, chưa bộ, ngành nào tự giác trả lại trụ sở cũ.
Tình trạng ôm “đất vàng” hy vọng sẽ được ngăn chặn khi Bộ Tài chính có nghị định hướng dẫn thực hiện chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được Quốc hội phê duyệt vào tháng 6/2017.
Vẫn còn tâm lý nể nang
UBND TP. Hà Nội thống kê, sau 15 năm thực hiện kế hoạch di dời các bộ, ngành, đến nay, 10 cơ quan đã được xây trụ sở mới tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, dù theo quy định, sau khi có trụ sở mới, các bộ, ngành phải bàn giao lại trụ sở cũ nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa được bàn giao lại mét đất nào.
Về nghịch lý trên, theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, việc thu hồi trụ sở cũ chưa đạt được hiệu quả và còn nhiều vướng mắc là do chưa có chế tài quy định rõ ràng. Theo quy định, Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện việc rà soát và xây dựng phương án sắp xếp lại trụ sở các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc sắp xếp, thu hồi đất cũ còn vấp phải nhiều khó khăn do các bộ, ngành không tự giác trả lại trụ sở cũ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, một phần nguyên nhân là do việc xử lý chưa quyết liệt, thậm chí còn tâm lý nể nang giữa Bộ Xây dựng với người đứng đầu các bộ, ngành. Hàng nghìn tỷ đồng đã được chi cho việc xây trụ sở mới với quy mô 10-18 tầng, nhưng trụ sở cũ tại những vị trí “vàng” trên đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo lập tức được “chuyển đổi” chức năng của các bộ phận khác. Chỉ có duy nhất trụ sở cũ của Bộ Nội vụ từ tháng 5/2017 đã được giao lại cho Bộ LĐ-TB&XH.
Bộ TN&MT vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Như Ý |
Bộ trưởng Bộ Tài chính toàn quyền thu hồi “đất vàng”
Để xử lý tình trạng trên, thẩm quyền của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã được Bộ Tài chính tập trung làm rõ trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, Bộ đã làm rõ thẩm quyền của Bộ trưởng Tài chính.
Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo nội dung Nghị định trên, từ ngày 1/1/2018, trước khi quyết định giao, thu hồi đất trụ sở làm việc, cơ quan có thẩm quyền giao, thu hồi đất phải gửi văn bản lấy ý kiến đến Sở Tài chính (với trụ sở của cơ quan nhà nước thuộc địa phương) và Bộ Tài chính (với trụ sở của cơ quan trung ương). Nội dung lấy ý kiến phải nêu rõ diện tích giao, thu hồi; lý do giao, thu hồi; phương án bố trí quỹ đất để di dời nếu thu hồi kèm xin giao đất…
Việc Bộ Tài chính, Sở Tài chính có ý kiến từ đầu sẽ giúp cơ quan quản lý tài sản công nắm rõ trụ sở cũ được sử dụng để làm gì, trụ sở mới có đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu, định mức không. Từ đó, tình trạng “ôm” trụ sở cũ như thời gian qua sẽ không còn do cơ quan quản lý tài sản sẽ giám sát việc xây trụ sở mới và bàn giao lại trụ sở cũ.
Theo quy định, sau khi có trụ sở mới, các bộ, ngành phải bàn giao lại trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng hoặc để bố trí nơi làm việc cho cơ quan khác có nhu cầu. Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị sẵn 100ha đất sạch giao cho các bộ, ngành nhưng Hà Nội vẫn chưa thu lại được “đất vàng” là do chưa có chế tài rõ ràng. Dự thảo nghị định này nêu rõ Bộ trưởng Bộ tài chính có thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công nhằm tạo ra hành lang xử lý thông thoáng.
Cụ thể, tài sản công mà Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định thu hồi là: Trụ sở của các cơ quan nhà nước do Trung ương quản lý; Tài sản không phải là trụ sở của các cơ quan nhà nước do Trung ương quản lý phải thu hồi nhưng bộ, cơ quan Trung ương không thực hiện thu hồi.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, do Bộ Tài chính là cơ quan quản lý tài sản công của Chính phủ nên việc Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định thu hồi trụ sở cũ là phù hợp. Việc Bộ Tài chính tham gia xem xét, thẩm định, phê duyệt đề xuất xây trụ sở mới sẽ buộc các đơn vị được xây trụ sở mới phải cam kết rõ thời gian giao lại trụ sở cũ; từ đó hạn chế gây lãng phí ngân sách... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet