Sếp Batdongsan.com.vn: Xu hướng thị trường và giá nhà sẽ tiếp tục tăng
Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng tiềm năng tăng giá của bất động sản Việt Nam còn rất lớn. Năm 2021, xu hướng thị trường và giá nhà sẽ tiếp tục tăng.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá của Việt Nam hiện đang thấp so với khu vực. Hiện một căn hộ cao cấp tại Việt Nam có giá dao động từ 2.000-2.5000 USD/m2. Trong khi đó, tại thị trường Hồng Kông, mức giá đã thiết lập lên tới 26.000 USD/m2, tại Singapore là 15.000 USD/m2.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cũng còn rất thấp, mới đạt khoảng 35%. Mười năm về trước, khi chưa mở rộng hành chính, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đạt khoảng 54%, thế nhưng quá trình sáp nhập các vùng ven vào thủ đô khiến tốc độ đô thị hóa hiện nay chỉ đạt khoảng 49%. Tốc độ đô thị hóa TP.HCM cũng giảm từ 85% xuống 75%. Trong khi đó các nước trong khu vực tỉ lệ đô thị hóa đã đạt rất cao. Đơn cử, Thái Lan, Singapore, tốc độ đô thị hóa đã đạt khoảng 70%, Hàn Quốc là trên 80%...
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
Cũng theo ông Quốc Anh, đô thị hóa đi kèm với quá trình phát triển hạ tầng kĩ thuật sẽ thu hút các nhà đầu tư bất động sản và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tăng giá của thị trường. Trong tương lai, xu hướng thị trường và giá nhà sẽ tiếp tục tăng. Trên thực tế, theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, từ 2002-2020, trong chưa đầy 20 năm, giá bất động sản Hà Nội đã tăng 33 lần, TP.HCM tăng 16 lần.
Trong năm 2021, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân là bởi lãi suất ngân hàng giảm mạnh. Ngay tại Mỹ, do lãi suất thấp mà xu hướng đầu tư đổ vào bất động sản và chứng khoán tăng. Việt Nam đang là điểm đến rất được quan tâm do tăng trưởng kinh tế vẫn có những dấu hiệu tích cực so với nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng ấn tượng với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng thừa nhận một thực tế là dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản và chứng khoán trong năm qua. Dòng tiền này có sự biến động. “Thời điểm cuối năm 2020, chứng khoán đang thắng nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh", ông Hưởng nhận định. Sự sụt giảm của chứng khoán là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu ảnh hưởng sau một năm. Kế đó, thị trường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của bất động sản.
Cũng theo ông Hưởng, trong tương lai, bất động sản vùng ven Hà Nội và TP.HCM sẽ lên ngôi. Các khu vực điểm nóng cụ thể trong tầm nhìn 5 năm tới sẽ là Long Thành, Đồng Nai, khu vực thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà vừa túi tiền và đất chia lô sẽ ghi nhận thanh khoản tốt trên thị trường. Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 thì hậu Covid, đây sẽ là phân khúc có sức bật mạnh mẽ. Cụ thể, bất động sản nghỉ dưỡng biển và bất động sản nghỉ dưỡng núi sẽ nở rộ mạnh mẽ trong tương lai gần.
Ông Hưởng cũng cho rằng dư địa giá bất động sản Việt Nam còn lớn. Cùng với 3 triệu USD thì ở Singapore chỉ mua được một căn hộ nhưng ở Việt Nam có thể mua vài căn hộ. Ngoài ra thuế tại Việt Nam không cao như nhiều nước trên thế giới. Với việc kiểm soát được dịch bệnh và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành mối quan tâm lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Rào cản mà người nước ngoài vấp phải khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam là các quy định về người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Thúy An
>> Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, BĐS bán lẻ vẫn có nhiều triển vọng năm 2021
>> Những "điểm nóng" của thị trường BĐS Hà Nội trong tương lai
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet