Siết giao dịch nhà đất tại Việt Nam: Chặn tình trạng người nước ngoài "núp bóng"
Nghị quyết 82 của Quốc hội vừa được Tổng Thư ký Quốc hội công bố nêu rõ yêu cầu Chính phủ rà soát thực trạng, ban hành chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Ảnh minh họa
Đây là Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, được ban hành sau khi có kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Hiện, chưa có bất kỳ số liệu nào thống kê về số người nước ngoài mua nhà tại các dự án tại Việt Nam, cũng như số liệu về người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật. Nhưng đây là vấn đề rất nóng tại Nghị trường.
Kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11 năm 2018, trong kiến nghị gửi Quốc hội, cử tri thành phố Đà Nẵng phản ảnh, theo dư luận hiện nay có nhiều người nước ngoài mua đất dọc ven biển nước ta thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ.
Để góp phần ngăn chặn, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài một cách hiệu quả hơn, cũng như tăng cường cơ chế quản lý, đã có ý kiến cho rằng Nhà nước cần xác định hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi tội phạm.
Theo đó, cần quy định bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh "đứng tên cho người nước ngoài trong giao dịch về bất động sản", với tình tiết tăng nặng là bất động sản thuộc khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Ngoài việc yêu cầu Chính phủ rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật, Nghị quyết 82 của Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...
Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.
Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường...
Phải đưa ra một loạt yêu cầu như vậy, vì Quốc hội cho rằng những bất cập trong quản lý đất đai chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế.
Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đô thị. Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành.
Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Rà soát dự án tâm linh
Cũng theo Nghị quyết 82, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát quy hoạch đối với đất sử dụng cho dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh trên nguyên tắc đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên đất, bảo đảm hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội với yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của người dân.
Vấn đề này thời gian qua khá nóng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc các dự án nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh với hàng ngàn ha được duyệt quy hoạch là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Hiện nay tại các khu du lịch tâm linh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tâm linh và thương mại dịch vụ. Thực trạng này liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành.
Linh Tâm
(Theo Vneconomy)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet