So sánh giá trị pháp lý của sổ đỏ và sổ hồng
Hỏi: Khi giao dịch, sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở gắn liền với đất ở) có giá trị pháp lý giống với sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không? Có được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất không? Nếu đã có sổ hồng thì có cần làm thêm sổ đỏ nữa không?
Tô Văn Dũng (Bình Định)
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10/12/2009, đồng thời căn cứ vào khu vực sử dụng đất, các loại đất khác nhau, và ở từng giai đoạn khác nhau, Nhà nước tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất, sở hữu nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện. Các Giấy chứng nhận này được làm theo các mẫu phôi Giấy chứng nhận khác nhau về hình thức, màu sắc, hoa văn, họa tiết và cả kết cấu nội dung. Cụ thể:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, trang bìa màu đỏ, nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất, ở khu vực ngoài đô thị, áp dụng đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất ở nông thôn... Đối tượng được cấp giấy chủ yếu là hộ gia đình do chủ hộ đứng tên. Do mẫu này có trang bìa màu đỏ, nên người dân thường gọi là “sổ đỏ”.
“Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở”, trang bìa màu hồng, nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, khu vực đô thị, áp dụng với nhà ở, đất ở đô thị. Đối tượng là cá nhân, vợ chồng, hộ gia đình, tổ chức có đủ điều kiện được cấp giấy. Do mẫu này có trang bìa màu hồng, nên người dân thường gọi là "sổ hồng”.
Nghị định số 88/2009/NĐ-CP (có hiệu lực 10/12/2009, tình trạng hết hiệu lực) do Chính phủ ban hành vào ngày 19/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có nội dung thống nhất các Giấy chứng nhận, thành một loại Giấy chứng nhận duy nhất. Tên gọi chung của các loại giấy này là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối tượng cấp giấy bao gồm cá nhân, vợ chồng, hộ gia đình, tổ chức có đủ điều kiện được cấp giấy. Vì mẫu Giấy này có phần bìa màu hồng, nên thường được người dân gọi là "sổ hồng”.
Sổ đỏ và sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau. Ảnh: Gaea Field
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP, thì các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng nếu cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị pháp lý. Nếu người dân có yêu cầu sẽ được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện nay, cả nước đều sử dụng một mẫu Giấy chứng nhận thống nhất theo quy định tại Điều 97 Luật Đất đai 2013. Theo đó, đây là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cũng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể.
Các loại Giấy chứng nhận gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn được bảo toàn giá trị pháp lý, không bắt buộc phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cũng theo quy định của Luật này, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 nếu muốn cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Về câu hỏi của ông Tô Văn Dũng, thực tế cả nước hiện đang cùng tồn tại và lưu hành 3 loại Giấy chứng nhận là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" có trang bìa màu đỏ nên thường được người dân gọi là "sổ đỏ", “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” và "Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" có trang bìa màu hồng nên dân hay gọi là "sổ hồng". Giá trị pháp lý của cả 3 loại Giấy chứng nhận này giống nhau, người dân cũng không phải đổi sang mẫu mới.
Với những trường hợp được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009, nếu muốn cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc chuyển đổi này sẽ thực hiện theo mẫu quy định tại Điều 3 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (tình trạng còn hiệu lực).
Thắc mắc của ông Dũng về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất liên quan đến đất ở, nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận, ông Dũng có thể tham khảo thông tin tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (tình trạng còn hiệu lực) và Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT (tình trạng còn hiệu lực).
Ls Trần Văn Toàn
(VP luật sư Khánh Hưng)
>> 3 cách ghi tên trên sổ đỏ khi vợ chồng cùng mua nhà đất
>> 4 trường hợp được xin cấp đổi sổ đỏ năm 2020
>> Phải làm gì khi lỡ đánh mất sổ đỏ?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet