Rất nhiều vấn đề đã được các chủ sở hữu chung cư đặt ra như quyền về tài sản, quyền tự do kinh doanh… vẫn chưa có lời đáp.

 “Cửa” đã mở

Tháng 11/2009, Công văn 2544 của Bộ Xây dựng yêu cầu 6 tỉnh, thành phố rà soát lại việc quản lý, sử dụng chung cư đã làm nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân lo sốt vó. Công văn này khi đó được coi là chỉ dấu cho việc Bộ sẽ cấm việc sử dụng chung cư làm văn phòng. Tuy nhiên, ngay sau đó, rất nhiều phản ứng của dư luận đã bùng phát.
 
Theo thời gian, đến nay, với dự thảo mới nhất được ban hành của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp sẽ được sử dụng chung cư làm văn phòng nếu thoả mãn các điều kiện được quy định tại Điều 4 của thông tư này. Trong đó, có một điều kiện  có thể gây “khó khăn” cho doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích của người dân đang sống ở các khu chung cư. Khoản 4 quy định: “Việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất là hai phần ba tổng số các chủ sở hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó”.
 
Các điều kiện còn lại hoặc là hiển nhiên được thoả mãn: “Người đại diện văn phòng phải là chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp căn hộ nhà chung cư”; Hoặc quá định tính: “Hoạt động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vận hành nhà chung cư và không vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan”. Điều kiện “diện tích sử dụng bình quân phải đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 8m2/người”, dường như chỉ có tác dụng với việc thanh kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Hiện dự thảo đang được Bộ Xây dựng gửi các cơ quan, đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý. Có 19 cơ quan, đơn vị đã được xin ý kiến góp ý, trong đó gồm cả những chủ đầu tư chung cư và các ban quản lý các toà chung cư hiện hành. Nếu đạt được một sự đồng thuận tương đối, những quy định này có thể đi vào cuộc sống trong thời gian gần tới đây.

 “Lối vào” vẫn... hẹp

Có thể coi việc cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng như là một sự nhượng bộ của ngành chủ quản xây dựng chung quanh việc “cấm tiệt” trước đây. Thế nhưng, nhiều câu hỏi khó trả lời vẫn đang là ở phía trước. “Nới tay” với việc sử dụng chung cư làm văn phòng, nhưng Bộ Xây dựng lại “Nghiêm cấm làm văn phòng môi giới việc làm, nhà đất”.

Điều 12 của dự thảo Thông tư quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ nhà chung cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh; làm kho tàng, cơ sở đào tạo; làm văn phòng môi giới việc làm, nhà đất và các văn phòng không đảm bảo điều kiện theo quy định của Thông tư này”. Các doanh nghiệp có văn phòng vi phạm vào điều 12 do sử dụng căn hộ nhà chung cư với mục đích nêu trên thì “phải chấm dứt việc sử dụng sau 90 ngày” kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Anh Nguyễn Mạnh Phương, Giám đốc chi nhánh Cty du lịch Hòa Bình tại Hà Nội, có trụ sở tại Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc: “Tôi có nhà chung cư chưa sử dụng ở khu Trung Hòa – Nhân Chính. Căn hộ đó đứng tên chủ sở hữu là tôi, vậy tôi phải làm sao? Trong giấy phép kinh doanh của tôi do cơ quan nhà nước cấp, tôi có chức năng môi giới việc làm. Vậy mà, tôi không thể dùng căn hộ bỏ không của mình để làm trụ sở, trong khi đó hàng tháng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đi thuê địa điểm”.

Câu hỏi “Như thế có hợp lý không?” của anh Phương cũng là thắc mắc của nhiều chủ doanh nghiệp khác. Họ cho rằng, nếu không cho phép làm văn phòng (ngoại trừ văn phòng giao dịch), chắc chắn cũng sẽ có nhiều người “lách”. Mà nếu “lách”, hệ lụy chắc chắn còn lớn hơn là cho phép và thực hiện giải pháp quản lý.
“Nếu quy định không được dùng chung cư để đặt văn phòng kinh doanh và thực hiện các quyền năng kinh doanh (bao gồm cả kho chứa, cơ sở đào tạo…) khác nào “trói chân trói tay” và hạn chế các quyền năng của chủ sở hữu”. - Ông Phan Xuân Hiển, Bạch Đằng, Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh.

Chưa hết, ông Phan Xuân Hiển, một chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở đường Bạch Đằng, phường 15, quận Bình Thạnh (Tp.Hồ Chí Minh) còn cho rằng: “Quyền có nhà ở và sở hữu tài sản là nhà ở đã được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác. Liệu có lý do gì để một văn bản quy phạm pháp luật ở cấp dưới ban hành lại có thể hạn chế quyền chính đáng đó của họ? Một số chủ sở hữu căn hộ chung cư khác cũng đồng quan điểm rằng, không lẽ tài sản của họ, họ lại không có quyền định đoạt nó?”.

Một số người cho rằng, việc hạn chế chung cư thực hiện các chức năng kinh doanh là một hướng “siết” của cơ quan chủ quản nhằm tránh các sự cố, hệ lụy về môi trường, về sinh hoạt cho cộng đồng dân cư trong đó. Tuy nhiên, thay vì việc cấm, nên có những chế tài quản lý tốt thì hơn. Bởi, chưa nói chuyện phù hợp với các văn bản pháp luật khác hay không thì về bản chất, vẫn rất khó để kiểm soát các chiêu “lách” trong sử dụng chung cư. Khi đó, liệu cơ quan chức năng có đủ lực lượng để kiểm soát và xử lý?

Những bàn cãi quanh việc “cánh cửa hẹp” sử dụng chung cư chắc chưa dừng lại sau thông tư của Bộ Xây dựng. Vấn đề là, để có một giải pháp hợp lý, hợp pháp nhằm “quản” vấn đề này, chắc chắn đơn vị soạn thảo và các cơ quan chức còn cần lắng nghe nhiều hơn nữa!

(Theo Giadinh.net)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME