Tại hội nghị, nhiều nhân sĩ trí thức đề nghị ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi phải xem xét lại vấn đề thu hồi đất, trong đó bao gồm các trường hợp thu hồi đất và giá cả bồi thường. “Điều 60 của dự thảo nói về các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội là quá rộng. Sau khi liệt kê hàng loạt trường hợp cụ thể lại “thòng” thêm khoản 9: những vấn đề khác do Chính phủ quy định. Quy định như vậy là không còn giới hạn nào nữa. Thế nên mới có chuyện có một luật đất đai nhưng có đến 26, 27 văn bản dưới luật liên quan. Tôi đề nghị thu hẹp phạm vi thu hồi đất, bỏ hẳn khoản 9 đi” - ông Phạm Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hà Nội, nói.

Ngoài ra, ông Thảo cũng đề nghị phải phân biệt các trường hợp thu hồi đất khác nhau để đưa ra các phương thức bồi thường khác nhau, không thể gộp chung như dự thảo. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc và quy trình thu hồi đất cho rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Nói về vấn đề giá bồi thường, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần tách thẩm quyền của cơ quan thẩm định giá đất khỏi cơ quan cấp quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất. Có như vậy mới tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi dễ dẫn đến tiêu cực. Vì vậy cần có một công ty thẩm định giá đất độc lập.

“Tôi gặp nông dân để khảo sát về việc thực hiện nông thôn mới nhưng vấn đề nông dân tâm tư, bức xúc nhiều lại là đất đai. Bà con nói: Sống vì đất, lớn lên cũng vì đất, tăng chức cũng vì đất, bất động sản chết cũng vì đất và ăn “bẩn”, ăn tham nhất cũng là đất. Do đó Luật Đất đai sửa đổi phải đặt ra quy định công khai, dân chủ trong việc sử dụng, chuyển nhượng, thu hồi đất để người dân không phải bức xúc như vậy nữa” - ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về các vấn đề văn hóa-xã hội, bày tỏ.

Theo ông Túc, với các quy định như trong dự thảo, dường như Nhà nước có quá nhiều quyền hơn là trách nhiệm, còn người dân thì ngược lại. Luật Đất đai mới phải sửa đổi làm sao để người dân được làm chủ nhiều hơn.




Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, ngoài việc tập hợp ý kiến góp ý của nhân dân, hiện cơ quan này cũng đã nhận được báo cáo góp ý của nhiều bộ, ngành, các tổ chức, đối tác phát triển như WB, Oxfam…

Về nội dung góp ý, vấn đề về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất với hơn gần 1,8 triệu ý kiến. Tiếp đến là vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý với hơn 1,2 triệu ý kiến. Các vấn đề còn lại của dự thảo cũng nhận được từ 500 - 20.000 ý kiến góp ý.

Cũng theo ông Chính, với hai nội dung quan trọng trên, phần lớn các ý kiến góp ý đều cho rằng, cần phải quy định rõ trong luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bởi thực tế hiện nay, những luật định về nội dung này còn chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Chẳng hạn như luật hiện nay chưa quy định rõ nguyên tắc kiếm đếm trong quá trính thu hồi, quá trình thu hồi, bồi thường nếu người dân không chấp hành thì số tiền ngân sách chi cho đền bù vẫn chưa biết gửi vào đâu…

Ngoài ra, phần lớn góp ý cũng đều kiến nghị luật phải quy định bồi thường khi thu hồi đất thì nhà nước phải bồi thường theo giá của loại đất bị thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi. Nhà nước chỉ bồi thường bằng đất trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở, quy định cụ thể trách nhiệm của nhà nước khi bồi thường chậm…

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết hiện Bộ đang tập hợp, hoàn chỉnh để gửi Chính phủ báo cáo Quốc hội về tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi luật này.

Dự kiến, sau khi Chính phủ báo cáo, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, khóa 13 sắp tới.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME