Việc thi công các công trình - từ nhà ở dân dụng cho đến các công trình cao tầng, dự án lớn - luôn phải đảm bảo thực hiện chính xác các quy trình, yếu tố kĩ thuật, đặc biệt là phần nền móng. Thực tế cho thấy thi công phần móng không đảm bảo sẽ gây ra các hiện tượng như sụt lún, rạn nứt, thậm chí sập công trình. Là một trong những loại móng cơ bản trong xây dựng, móng cọc được ứng dụng rộng rãi trong các công trình dân dụng cũng như các dự án lớn. Trong đó, ép cọc bê tông là biện pháp thi công móng phổ biến nhất trong xây dựng nhà phố hiện nay. 

Móng cọc là gì?

Móng cọc bao gồm đài móng và cọc, có nhiệm vụ chính là truyền tải trọng từ công trình xuống các lớp đất tốt đến tận sỏi đá nằm ở dưới sâu và xung quanh nó. Khi thi công, người ta sẽ đóng, hạ những cây cọc xuống tầng đất sâu để làm tăng khả năng chịu tải cho móng. Trước đây, ở nước ta, cọc tre và cọc cừ tràm được sử dụng khá phổ biến như một biện pháp gia cố nền đất dưới công trình. Ngày nay, cọc bê tông cốt thép được ưa chuộng hơn nhờ khả năng chịu tải trọng lớn và bền vững.

Ưu điểm của móng cọc

Móng cọc là loại móng sâu, chịu tải tốt và bền chắc, có thể dễ dàng nâng tầng nếu tính đủ tải trọng cho quy mô xây dựng sau này. Thời gian ép cọc khá nhanh, thường chỉ trong ngày đối với nhà phố có số lượng tim cọc ít và thi công nhanh hơn móng băng.

Nhược điểm của móng cọc

Loại móng này chỉ sử dụng cho nhà phố có hẻm vào rộng hơn 4m vì máy ép cọc rất nặng và cồng kềnh, khó di chuyển. Móng cọc chỉ thích hợp với nền đất yếu vì đất cứng không thể ép cọc. Ngoài ra, thi công ép cọc sẽ gây ảnh hưởng đến nhà kế bên do tác động trực tiếp vào nền đất.

Quy trình thi công ép cọc bê tông nhà phố

Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng

Đầu tiên, nhà thầu sẽ tháo dỡ nhà cũ, dọn xà bần và chuẩn bị bề mặt thi công. Cần bố trí mặt bằng bằng phẳng trước khi thi công ép cọc để quá trình di chuyển máy ép được dễ dàng. Công đoạn này bao gồm cả việc chuẩn bị mặt bằng để thi công và vị trí tập kết cọc, vị trí nghỉ của tổ thợ ép cọc. Khảo sát về trắc địa công trình cũng là công đoạn cần thiết trước khi thi công ép cọc.

Bước 2: Tập kết máy móc, vật liệu

Vận chuyển máy ép cọc, tập kết vật tư cần thiết và cọc bê tông tại công trình. Nhà phố hiện nay sử dụng chủ yếu là cọc vuông bê tông cốt thép 250 x 250mm, chiều dài cọc là 7m.

Máy ép cọc bê tông nhà phố
Máy ép cọc được vận chuyển tới vị trí thi công.
Mặt bằng tim cọc
Vị trí ép cọc đã được thiết kế trong phần kết cấu của hồ sơ thiết kế nhà phố.
Giàn ép cọc bê tông nhà phố
Đưa giàn ép tải vào đúng vị trí. Di chuyển sắt đổi trọng để giữ cân bằng cho giàn ép.

Bước 3: Tiến hành ép cọc

Khi máy móc, vật liệu đã sẵn sàng, tổ thi công sẽ đưa cọc vào giàn ép để tiến hành ép cọc xuống nền đất. Mỗi tim cọc có thể có nhiều cọc ép chồng lên nhau đến khi đủ tải trọng. Khi đồng hồ báo đủ tải trọng, tổ thi công sẽ dừng ép cọc.

Thi công ép cọc bê tông nhà phố
Đưa cọc vào giàn ép.
Công trường thi công ép cọc bê tông nhà phố
Kỹ sư giám sát sẽ trực tiếp theo dõi và nghiệm thu theo thiết kế.
Quy trình ép cọc bê tông nhà phố
Cọc sau khi ép sát mặt đất.
Các bước ép cọc bê tông nhà phố
Tiến hành đập đầu cọc để lộ ra 4 thanh thép phi 16 làm nhiệm vụ neo cọc vào đài móng, từ đó gia công lắp đặt thép xây cột nhà.
Thi công hố ga, hầm tự hoại
Tiến hành thi công hầm tự hoại, hố ga với gạch đinh.

Lưu ý: Thi công móng cọc nằm trong gói xây nhà phần thô cơ bản, nhưng chi phí ép cọc sẽ được tính riêng. Trước khi xây nhà, chủ đầu tư cần dự trù thêm khoản chi phí này, bao gồm cả vật tư và nhân công. Thông thường, chi phí ép cọc dao động từ 40-150 triệu tùy độ sâu cọc và số lượng tim cọc. 

Tư vấn thông tin và hình ảnh: Kiến trúc xây dựng Song Phát
Biên tập: Hương Liên

>> Hướng dẫn cách tính chi phí xây nhà ống chuẩn xác nhất
>> Cách xây nhà tiết kiệm chi phí nhất: 5 kinh nghiệm không phải ai cũng biết
>> Những khuyến nghị cơ bản để thiết kế nhà an toàn, tiện dụng

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME