Tính khả thi của đề án quỹ tiết kiệm nhà ở đến đâu? | ảnh 1
Nhà định cư vẫn còn là “giấc mơ không với tới” đối với người thu nhập thấp, người nghèo đô thị. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đề án thành lập quỹ Tiết kiệm nhà ở vừa được bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Đây được cho là một nỗ lực của nhà chức trách công nhằm tìm kiếm giải pháp cho bài toán về nhà ở tại đô thị cho người có thu nhập thấp và cả thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, với nội dung như hiện tại, tính khả thi của đề án bị đánh một dấu hỏi lớn. Nói riêng về phương án mua nhà dự kiến dành cho người có thu nhập thấp, đề án bị cho là phi thực tế ở quá nhiều điểm.

Đặc biệt, với mặt bằng giá cả bất động sản như hiện tại, người có thu nhập thấp muốn mua nhà theo lộ trình ghi nhận trong đề án phải góp ít nhất năm triệu đồng mỗi tháng, liên tục trong năm năm, mới đạt điều kiện cần tối thiểu để được phép nộp một bộ hồ sơ xin vay tiền mua căn nhà tạm gọi là ở được. Sau đó, người mua chỉ có thời hạn trả nợ vay tối đa là 15 năm, nghĩa là mỗi tháng phải trích một số tiền cũng xấp xỉ năm triệu đồng để trả nợ một cách liên tục. Ai là người được xếp vào loại có thu nhập thấp mà có khả năng thực hiện được kế hoạch đó?

Chưa nói đến việc chẳng có gì bảo đảm cho người tham gia đóng góp vào quỹ một cách nghiêm túc rằng họ sẽ mua được căn nhà mình mơ ước sau một thời gian dự kiến. Trong khung cảnh của đề án, chẳng có ai được chỉ định để nhận trách nhiệm trả lời một cách thuyết phục cho người gửi tiết kiệm những câu hỏi đại loại như nhà có thể mua được đang hoặc sẽ nằm ở đâu, hình dáng, đặc điểm kiến trúc ra sao, chất lượng thế nào, giá bao nhiêu...

Ở các nước châu Âu, việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp mua nhà phải là kết quả sự hợp tác giữa nhiều chủ thể – nhà nước, nhà doanh nghiệp, ngân hàng, người muốn mua nhà... Trước hết, những người có thực lực tài chính phải đầu tư xây dựng các toà nhà để bán cho người muốn mua trả góp. Trong trường hợp điển hình, doanh nghiệp được nhà chức trách công yêu cầu xây nhà cho công nhân của mình có chỗ ở; các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào việc này sẽ được trừ vào thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp điển hình khác, một công ty kinh doanh nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ về vốn để xây nhà ở bán cho người có thu nhập thấp. Thông thường, người có thu nhập thấp xem và lựa chọn căn hộ vừa ý mình; sau đó, họ bắt đầu hành trình tạo lập nhà ở bằng cách ký hợp đồng thuê.

Người có kế hoạch mua nhà nghiêm túc chỉ quyết định thực hiện kế hoạch sau khi đã cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ tiền vay để mua nhà dựa vào các nguồn thu nhập ổn định của mình. Để thực hiện kế hoạch ấy, họ có thể dựa vào sự hỗ trợ về tài chính của một quỹ tiết kiệm nhà ở hoặc một ngân hàng.

Trong trường hợp mua nhà thông qua sự trợ giúp của quỹ tiết kiệm nhà ở, người mua sẽ xin gia nhập quỹ và thực hiện nghĩa vụ đóng góp. Một khi đã góp đến một con số tối thiểu nào đó, họ có đủ tư cách để xin vay mua nhà. Những quỹ như thế này thường được tổ chức theo mô hình hợp tác xã: việc bình chọn người được phát vay tiến hành theo phương thức biểu quyết dân chủ, mỗi xã viên được bỏ một phiếu, bất kể phần đóng góp vào quỹ có giá trị lớn hay nhỏ; bản thân người xin vay cũng được bỏ một phiếu cho mình. Nếu không được chọn lần này, ứng viên có thể đợi đến lần sau; trong thời gian đó, ứng viên vẫn được ở trong căn hộ mình muốn mua, với tư cách người thuê.

Còn nếu muốn mua nhà bằng tiền vay của ngân hàng, thì người mua có thể cam kết bảo đảm trả nợ bằng cách thế chấp căn nhà mua được, hoặc có thể nhờ công ty nơi mình làm việc đứng ra bảo lãnh trả nợ, hoặc dùng cả hai biện pháp.

Dù lựa chọn cách vay nào, thì người vay cũng được hưởng một kỳ hạn hoàn trả nợ vay hợp lý. Với kỳ hạn đó, người vay có thu nhập ổn định có thể yên tâm cân đối thu chi để vừa có thể trả nợ vay mua nhà, vừa sống được trong những điều kiện không đến nỗi nào cho đến ngày nợ được trả hết.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
(Theo SGTT)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME