Tòa lầu nhiều tên trong Hoàng thành
Trong quần thể kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long khi xưa, Hậu Lâu hay Lầu Công Chúa hay Tĩnh Bắc Lâu là tòa lầu gác trong cùng, gần sát với Bắc Môn - cửa thành phía sau của Hoàng thành.
Hậu Lâu với 3 lầu gác mái.
Trong quần thể kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long khi xưa, Hậu Lâu hay Lầu Công Chúa hay Tĩnh Bắc Lâu là tòa lầu gác trong cùng, gần sát với Bắc Môn - cửa thành phía sau của Hoàng thành.Các tên gọi khác nhau
Hậu Lâu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa hay Hậu Điện. Mỗi tên gọi đều gắn với những cách lý giải khác nhau.
Do là tòa lầu cuối cùng xét từ mặt tiền là hướng Nam, cho nên, tòa lầu này được gọi là Hậu Lâu hay Hậu Điện (cung điện ở phía sau).
Sử sách xưa vẫn chép rằng, nơi ở của hoàng hậu, các cung tần, mỹ nữ thường được gọi chung là Hậu Cung. Hậu Lâu hay Hậu Điện có lẽ cũng là cách gọi có ý nghĩa gần giống như Hậu Cung.
Nói cách khác, có thể suy đoán, Hậu Lâu – sau này đã được trùng tu, cải tạo nhiều lần và kiến trúc đã có nhiều thay đổi so với nguyên bản – từ khi xuất hiện đã là nơi ở của các cung tần, mỹ nữ, hoàng hậu hay công chúa. Có thể vì thế, Hậu Lâu còn được biết đến với tên gọi là Lầu Công chúa.
Về tên gọi Tĩnh Bắc Lâu, có ý kiến cho rằng, tên gọi này xuất phát từ ý nghĩa đây là tòa lầu trấn giữ sự yên bình cho phía Bắc thành Thăng Long.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng đây là tòa lầu phía Bắc dành làm nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng của Hoàng gia nên được gọi là Tĩnh Bắc Lâu.
Mỗi tên gọi khác nhau của tòa Hậu Lâu đều gắn với nhiều cách giải thích khác nhau. Có lẽ, cần có những công trình nghiên cứu cụ thể về vấn đề này để làm rõ xuất xứ từng tên gọi của Hậu Lâu. Có như thế mới xác định đúng được công dụng của tòa lầu này.
Giao thoa kiến trúc Đông - Tây
Một góc mái tầng lầu thứ 2.
Theo mô típ dựng nhà truyền thống của người Việt, nhà ở thường được xây hướng Nam. Cách chọn hướng như thế vừa giúp tránh nắng rọi từ hai phía Đông – Tây nóng nực vào mùa hè, vừa giúp tránh gió Bắc giá rét vào mùa đông.Các cung điện trong khu Hoàng thành Thăng Long xưa cũng rất được chú trọng cách chọn hướng truyền thống như thế. Bởi vậy, về tổng thể, Hoàng thành Thăng Long ngoảnh nhìn hướng Nam. Các cổng thành phía Nam được gọi là cổng mặt tiền, các cổng thành phía Bắc được gọi là cổng hậu.
Thời kỳ Pháp bắn phá thành Hà Nội, tòa Hậu Lâu cũ đã bị đổ nát. Sau này, người Pháp xây mới tòa lầu này làm nơi ở và làm việc của quân Pháp. Do vậy, kiến trúc tòa Hậu Lâu hiện nay là sự hòa trộn giữa kiến trúc cung đình Việt Nam và kiến trúc Pháp.
Về tổng thể, Hậu Lâu là tòa lầu gồm ba tầng. Tầng dưới cùng được xây theo dạng hình hộp với ba phòng tách biệt. Hai phòng đầu hồi được dẫn bởi hai lối vào từ mặt trước. Phía sau hai phòng này là một hành lang kín dẫn lối vào phòng giữa. Phòng giữa không có cửa ra vào từ mặt trước của tòa lầu, nên là căn phòng kín nhất. Phòng này được lấy ánh sáng tự nhiên từ hai cửa sổ cuốn vòm ở mặt sau của tòa lầu.
Ngay sát hai cửa ra vào phía trước Hậu Lâu là hai cầu thang cuốn vòm từng bậc dẫn lên tầng lầu thứ hai.
Tầng lầu thứ hai của tòa Hậu Lâu cũng được chia làm ba phòng, nhưng trái với tầng một, phòng giữa ở đây lại thoáng đãng nhất với những cửa chính được mở lớn ngay phía mặt tiền. Hai phòng bên của tầng lầu thứ hai cũng thoáng đãng hơn hai phòng bên của tầng một do được trổ cửa lớn ngoảnh hai hướng Đông – Tây.
Các phòng ở tầng lầu thứ hai này đều có mái đắp xi măng mô phỏng kiến trúc mái hoàng cung thuở trước. Hai phòng hai bên được lợp hai tầng tám mái vuốt tám góc cong trang trí đầu rồng. Ngói giả bằng xi măng được đắp giống hệt ngói ống ở các mái cung điện. Phòng giữa có bốn mái được dựng tương tự như tầng mái dưới cùng của hai phòng bên. Phía sau phòng giữa này là cầu thang nhỏ dẫn lên tầng lầu thứ ba.
Tầng lầu thứ ba chỉ có một phòng và là căn phòng thoáng đãng nhất trong tất cả các phòng thuộc tòa Hậu Lâu. Căn phòng trên cùng này mở cửa ra ba hướng (Đông – Tây – Nam) và mỗi hướng có tới ba cửa lớn san sát nhau. Đây là tầng lầu lý tưởng để thưởng ngoạn phong cảnh phía dưới, đón gió mát và ngắm trăng thanh.
Tầng lầu trên cùng được lợp hai tầng tám mái. Các mái của tầng lầu này cũng được dựng theo kiến trúc mái hoàng cung với hình tượng ngói ống, góc cong trang trí đầu rồng.
Hai tầng lầu phía trên của tòa Hậu Lâu được trang trí bằng nhiều bức phù điêu đắp nổi trên tường miêu tả các loại nhạc cụ, đỉnh đồng, rồng, phượng và bốn loại cây đại diện cho bốn mùa trong năm.
Nét đặc trưng nhất của kiến trúc Pháp thể hiện ở tòa Hậu Lâu này là độ dày của các bức tường. Những bức tường dày như thế này khiến các phòng luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Chính sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây này đã làm nên nét riêng rất độc đáo của Hậu Lâu. Bởi thế, sự góp mặt của tòa lầu này đã giúp ích nhiều cho việc chúng ta đề nghị UNESCO công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới, làm nổi bật giá trị toàn cầu của khu trung tâm Hoàng thành.
Hậu Lâu cũng chính là nơi các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ và đã tìm được nhiều hiện vật có giá trị. Những hiện vật được tìm thấy ở đây trở thành những tư liệu khảo cổ cực kỳ quý giá để nghiên cứu về Hoàng thành.
(Theo Chinhphu.vn)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet