Tp.HCM: Giám sát dự án Khu đô thị Sing Việt
Ngày 14/9, đoàn Giám sát của HĐND TPHCM đã chọn dự án Khu đô thị Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh để giám sát việc thực hiện quy hoạch, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) của một trong những dự án “nóng”, đã kéo dài 15 năm.
Chưa có khu tái định cư
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Sing - Việt với diện tích hơn 331,15ha có chủ trương quy hoạch từ năm 1997. Đến năm 2007, UBND TP đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư. Dự án có 571 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 246 hộ dân có nhà bị giải tỏa trắng, 297 hộ có đất nông nghiệp thuần, còn lại là đất rừng phòng hộ, đất xen kẽ trong khu dân cư.Người dân thuộc trong dự án quy hoạch khu đô thị Sing Việt chưa được đền bù cũng không được xây dựng nhà. |
Theo dự án, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao và khu liên hợp du lịch, thương mại và khu căn hộ để ở. Đến năm 2011, nội bộ liên doanh chủ đầu tư (CĐT) lủng củng nên Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt đã chuyển thành Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (100% vốn nước ngoài) tiếp tục được thực hiện dự án. Đến nay, 15 năm trôi qua nhưng dự án vẫn án binh bất động, chỉ mới thu hồi “da beo” một phần đất nông nghiệp. Điều đáng nói là dự án đã triển khai bồi thường nhưng chưa xây dựng khu TĐC.
Theo quy định, để triển khai bồi thường dự án, CĐT phải triển khai thực hiện dự án khu TĐC 63 ha để bố trí TĐC cho các hộ dân có nhà ở, đất ở và kể cả những hộ dân đất nông nghiệp có nhu cầu mua nền đất trong khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay CĐT vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án TĐC này. “Do CĐT chưa thực hiện khu TĐC để bố trí cho các hộ dân có nhà ở, đất ở bị giải tỏa trắng nên quận mới lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp thuần và đất nhận thuê khoán đất nông nghiệp chứ chưa bồi thường đất ở” - Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tp.HCM cho rằng, cũng phải chia sẻ với CĐT trong tình hình khó khăn hiện nay nhưng UBND huyện Bình Chánh phải đôn đốc CĐT, đặc biệt là phải quan tâm đến dự án TĐC. “Dự án đã kéo dài 15 năm mà chưa có khu TĐC thì làm sao dân không bức xúc?” - ông Tuyến nói.
Giải trình với đoàn giám sát về dự án TĐC, ông Thành cho biết, mặc dù CĐT chưa xây dựng khu TĐC nhưng huyện cũng đã yêu cầu CĐT cam kết bằng văn bản sau khi xây dựng khu TĐC phải bán giá TĐC bằng giá đất bồi thường đất ở. Hiện đã có 104 hộ đăng ký mua 154 nền mua đất tại khu TĐC.
Theo ông Thành, sau khi giao mặt bằng, trong vòng 9 tháng CĐT sẽ hoàn thành hạ tầng để bố trí nền đất TĐC cho người dân. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, theo quy định, CĐT phải thực hiện khu TĐC trước khi thực hiện dự án. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Bình Chánh yêu cầu CĐT nếu chưa thực hiện dự án TĐC do phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý thì phải liên hệ mua các dự án lân cận để phục vụ TĐC cho người dân. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đồng tình phương án trên vì ít nhất cũng phải mất cả năm nữa CĐT mới hoàn thành thủ tục pháp lý để thực hiện khu TĐC.
Chủ đầu tư dây dưa tiền bồi thường
Tổng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự án là gần 1.100 tỷ đồng. Hiện UBND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định bồi thường đất nông nghiệp cho 307 hộ, tuy nhiên mới có 229 hộ đồng ý nhận tiền với hơn 374 tỷ đồng, còn 78 hộ không đồng ý và đề nghị thẩm định lại giá bồi thường.Theo UBND huyện Bình Chánh, trong 78 hộ này, có 40 hộ tham gia khiếu kiện đông người. UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện cùng các sở - ngành đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại, giải thích với người dân và đang tiếp tục vận động để các hộ dân nhận tiền, giao mặt bằng để triển khai dự án. “Sau nhiều lần tiếp xúc, người dân đòi giá đất nông nghiệp từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng/m², trong khi giá đất nông nghiệp hiện nay chỉ khoảng 150.000 - 300.000 đồng/m² nên không có cơ sở đáp ứng” - ông Trường trình bày.
Ông Trường cho biết, số tiền bồi thường của 78 hộ dân với khoảng 126 tỷ đồng hiện đã được gửi vào ngân hàng, nếu người dân đồng ý nhận tiền thì sẽ rút ra chi ngay. “Mới đây, đã có 2 người dân đồng ý nhận tiền, chỉ còn 76 hộ” - ông Trường cập nhật thông tin.
Liên quan đến bồi thường đất ở, ông Phạm Minh Châu - Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho rằng, năm 2008, UBND TP đã ban hành giá bồi thường đất ở cho dự án nhưng CĐT không chịu chuyển tiền để chi trả cho người dân. Đến nay, dự án đã được thẩm định lại với mức giá tăng lên nhiều lần, nếu CĐT không chi trả nữa thì giá đất càng ngày càng tăng sẽ rất khó.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Trường cho biết, huyện đã đề nghị CĐT chuyển kinh phí bồi thường để chi trả cho các hộ dân có đất ở từ nay đến cuối năm 2012 là 130 tỷ đồng/tháng, trong đó phải chuyển ngay 75 tỷ đồng trong tháng 9 để chi trả cho 53 hộ đã đồng ý nhận tiền bồi thường theo đơn giá thẩm định đã được Hội đồng bồi thường dự án thống nhất (từ 2.330.000 đồng - 4.000.000 đồng/m² tùy vị trí - PV). Tuy nhiên, CĐT vẫn dây dưa chưa trả. “Nếu CĐT không chuyển tiền để chi trả bồi thường cho các hộ dân theo tiến độ, UBND huyện sẽ kiến nghị UBND TP không giao đất cho CĐT để thực hiện dự án” - ông Trường cho biết.
Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tp.HCM Phạm Văn Đông đề nghị UBND huyện Bình Chánh phải làm việc với CĐT để có giải pháp tích cực, đẩy nhanh tiến độ dự án. “Nếu CĐT muốn tiếp tục thực hiện dự án thì phải thực hiện ngay dự án TĐC, nếu không phải kiến nghị TP có hướng xử lý. CĐT không đủ năng lực thực hiện thì có thể kêu thêm DN có năng lực để cùng thực hiện dự án” - ông Đông đề nghị.
Theo ông Đông, đây là một trong những dự án “nóng”, việc khiếu kiện phải giải quyết theo quy định pháp luật. Ông Đông cho biết sẽ báo cáo với Thường trực HĐND và UBND Tp.HCM về dự án này.
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet