Tp.HCM: Hạn chế đầu tư nhà ở tái định cư bằng ngân sách Nhà nước
Từ nay đến năm 2025, Tp.HCM sẽ tăng đặt hàng doanh nghiệp triển khai các dự án ngân sách với số lượng sát với nhu cầu, thay vì triển khai bằng ngân sách Nhà nước.
Mới đây, lãnh đạo UBND Tp.HCM đã có cuộc họp với các sở, ngành, quận huyện về Kế hoạch Phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2019 - 2020.
Sử dụng hết quỹ nhà tái định cư dôi dư
Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, trong 2 năm 2019 và 2020, thành phố dự kiến triển khai 300 dự án chỉnh trang đô thị, công ích với khoảng 19.000 gia đình bị ảnh hưởng. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, sẽ triển khai 226 dự án chỉnh trang đô thị với khoảng 25.000 hộ bị ảnh hưởng. Từ nay đến năm 2025, sẽ có khoảng 44.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án. Theo số liệu khảo sát sơ bộ, có 27.200 trường hợp muốn tái định cư, 16.800 hộ dân nhận tiền tự lo chỗ ở mới.
Lãnh đạo Tp.HCM hy vọng công tác tái định cư phải được giải quyết một cách toàn diện, hài hòa trên mọi mặt đời sống; đảm bảo nơi ở mới có không gian sống phù hợp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Bên cạnh đó, việc tái định cư cũng phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời.
Tp.HCM sẽ tăng đặt hàng doanh nghiệp triển khai các dự án ngân sách với số lượng sát với
nhu cầu, thay vì triển khai bằng ngân sách Nhà nước. Ảnh: Lê Quân
Trong bối cảnh Tp.HCM còn 12.197 căn hộ và nền đất tái định cư (9.589 căn hộ và 2.688 nền đất) chưa sử dụng, trong đó cần phải bán đấu giá 5.075 căn hộ và nền đất để thu hồi vốn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết trước mắt phải sử dụng hết quỹ nhà tái định cư đang có, hạn chế tối đa xây mới nhà tái định cư bằng ngân sách Nhà nước.
Với quỹ nhà tái định cư hiện có, nếu đã hoàn thành 5 năm nhưng đến nay chưa bố trí sử dụng phải xem xét đem bán đấu giá thu hồi vốn nhằm đảm bảo nhà không bị xuống cấp.
Ông Tuyến nhấn mạnh, trong thời gian tới, nếu các quận huyện muốn Tp.HCM phân bổ quỹ nhà tái định cư phải đăng ký với Sở Xây dựng. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp, kiểm tra xem xét so với nhu cầu và tham mưu UBND thành phố quyết định phân bổ.
Theo ông Tuyến, việc đăng ký nhu cầu chỉ cho hàng năm và lãnh đạo các quận huyện phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký của mình. Cuối năm báo cáo UBND Tp.HCM việc sử dụng quỹ nhà đăng ký trong năm. Các quận - huyện phải đăng ký nhu cầu sử dụng quỹ nhà của địa phương mình với Sở Xây dựng chậm nhất vào đầu tháng 4/2019.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách
Từ nay đến năm 2025, Tp.HCM tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách. Đồng thời, Tp.HCM tập trung rà soát, bố trí các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn quận - huyện và sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới có nghĩa vụ thực hiện điều tiết 20% quỹ đất phục vụ nhà xã hội theo hình thức nộp tiền để chủ động nguồn nhà phục vụ tái định cư cho chương trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Tp.HCM tiếp tục theo dõi, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai; cung cấp danh mục các dự án trong phạm vi bán kính 5km so với các dự án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo cung cấp khoảng 17.000 căn hộ và nền đất để các cá nhân, gia đình được bồi thường, có khả năng tự lo chỗ ở mới hoặc mua lại để tái định cư theo phương thức nhà ở thương mại.
"Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và các dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đang xây dựng, Tp.HCM đăng ký mua lại để đảm bảo tái định cư tại chỗ cho người dân, sát với nhu cầu và chất lượng nhà tái định cư cho người dân cũng được nâng cao hơn. Nếu không có nhu cầu nhà tái định cư thì Tp.HCM để doanh nghiệp tự kinh doanh quỹ nhà mà trước đó đã đăng ký chứ không “giữ chân” doanh nghiệp", ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet