Tp.HCM: Lắm vấn đề trong quy hoạch cụm công nghiệp
Chính sách quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) để đưa các cơ sở sản xuất về một mối của Tp.HCM là nhằm hạn chế ô nhiễm và xây dựng một nền công nghiệp tập trung. Thế nhưng cái lợi đâu chưa thấy, người dân trong các cụm công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Báo động về ô nhiễm môi trường
Không nằm trong quy hoạch của TP nhưng CCN trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 12, quận Gò Vấp) đã tồn tại trên 15 năm qua. Trải rộng trên khu vực chừng 40 ha, có đến 70 cơ sở sản xuất (CSSX), xí nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đang hoạt động. Trong số đó, Công ty Huê Phong là CSSX lớn, số lượng công nhân lên đến hàng ngàn người. Là CCN nhưng phát triển thiếu quy hoạch nên các nhà máy, CSSX nằm xen lẫn giữa các khu nhà ở của dân. Các CSSX lại thuộc nhóm gây ô nhiễm cao nên người dân phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy. Bà con cho biết, hơn chục năm trước nơi đây còn làng hoa Gò Vấp, nhà cửa thưa thớt, không khí trong lành, còn giờ thì…Quận 12 có CCN Tân Thới Nhất và CCN Quang Trung. Theo quy hoạch, CCN Tân Thới Nhất rộng 50 ha, tập trung các nhà máy, CSSX thuộc ngành nghề dệt, cơ khí. Đến nay CCN Tân Thới Nhất đã có 150 nhà máy, CSSX đi vào hoạt động. Điều đáng nói, các CSSX không tập trung mà nằm đan xen trong khu dân cư, hàng ngày khói bụi, chất thải xả ra bao trùm cả vùng. Bởi nhà máy nằm chung với khu dân cư nên người dân chỉ biết che chắn nhà cửa, sống chung với ô nhiễm. Còn CCN Quang Trung có diện tích 50 ha nhưng đến nay mới có chừng 30 nhà máy, CSSX hoạt động. Chỉ mỗi khi có doanh nghiệp đến đầu tư, cơ quan chức năng mới giải tỏa để lấy đất dựng nhà máy. Chính do nhà máy và nhà dân cùng tồn tại theo dạng “xôi đậu” nên người dân hứng trọn khói bụi từ nhà máy tỏa ra. Thực tế các CCN nằm giữa khu dân cư, không được đầu tư hoàn chỉnh nên chẳng khác nào gom ô nhiễm từ các nơi đem về một chỗ.
Con đường đất lầy lội bên cạnh tường rào nhà máy tại CCN Quang Trung. |
Nạn ô nhiễm từ các CCN đã có từ lâu. Từ năm 2005, UBND TP đã giao các sở, quận huyện rà soát và đề xuất loại bỏ những CCN gây ô nhiễm nặng. Theo số liệu của Viện Quy hoạch TP, ngoài 52 CCN do quận huyện quản lý, còn có 7 CCN hình thành tự phát do tư nhân, doanh nghiệp tự mở. Hầu hết các CCN đều nằm xen cài trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải. Viện Quy hoạch TP đề nghị giải tỏa 11 CCN do quận huyện quản lý và xóa 7 CCN tự phát gồm Trường Nông nghiệp, AFC Tăng Nhơn Phú A, Xí nghiệp Thủy lợi (quận 9); Công ty A74, Công ty Cao su Bình Triệu, Công ty Đay Ấn Độ (quận Thủ Đức). Đối với các CCN còn lại, TP sẽ đầu tư hoàn chỉnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và hạn chế ô nhiễm. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm từ các CCN chưa được cải thiện, bởi nhiều CCN trong diện phải xóa bỏ vẫn tồn tại, còn CCN trong quy hoạch lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Hạ tầng ngổn ngang
Ô nhiễm môi trường từ các CCN đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Để xóa bỏ tình trạng ô nhiễm từ các CCN, ngoài việc chính quyền các cấp phải cương quyết xóa bỏ các CCN tự phát, thì việc đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh các CCN đã được điều chỉnh, quy hoạch càng bức thiết. Tuy nhiên hiện nay công tác xóa các CCN tự phát quá chậm, còn việc đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN đang còn nhiều bất cập.Năm 2007, UBND TP ra quyết định (QĐ 4809/QĐ-UB) điều chỉnh quy hoạch xây dựng các CCN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025. Ngoài 20 CCN dự kiến được đầu tư, dựa trên các CCN đang hoạt động, TP phê duyệt củng cố, điều chỉnh 10 CCN, bao gồm Phú Mỹ (quận 7), Bình Đăng (quận 8) Hiệp Thành, Tân Thới Nhất (quận 12), Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), Xuân Thới Sơn A (Hóc Môn), Đông quốc lộ 1 A (Bình Tân), Lê Minh Xuân (Bình Chánh) và Tân Quy A, Tân Quy B (Củ Chi). Quyết định này không những điều chỉnh lại diện tích mà còn yêu cầu quy hoạch chi tiết chỉnh trang các CCN Phú Mỹ, CCN Quang Trung,… để thuận lợi cho quản lý và giảm ô nhiễm.
Mặc dù TP đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch CCN, nhưng trên thực tế các quận, huyện lại không đầu tư, quản lý đúng theo quy hoạch. Do phát triển thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch nên nhà máy, CSSX nằm xen lẫn với khu dân cư. Các CCN vẫn phát triển theo kiểu tự phát, nhu cầu đầu tư đến đâu sẽ được giải tỏa mặt bằng đến đó. Hạ tầng kỹ thuật từ đường giao thông, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức. Hầu như các CCN đều chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung. Hạ tầng kỹ thuật CCN thiếu, chưa hoàn chỉnh là nguyên nhân dẫn đến CCN gây ô nhiễm cho khu dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet