Tp.HCM muốn Nhật Bản tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị
Tp.HCM đang mở rộng hoạt động mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị Tp.HCM đồng thời giới thiệu danh mục 193 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn thành phố.
Thông qua hoạt động hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị", Tp.HCM đã giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp đầu tư, hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường Việt Nam. Các dự án chính được giới thiệu trong đợt này gồm: dự án phát triển tuyến metro; các dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch; dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; các dự án kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thu hút sự tham gia của đối tác quốc tế vào hoạt động chỉnh trang và phát triển đô thị tại Tp.HCM. Chương trình này đã được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X thông qua. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác.
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, nhằm xây dựng Tp.HCM là đô thị thông minh, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Lãnh đạo thành phố đã đưa ra 21 chương trình mục tiêu trọng điểm nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trong đó, có Chương trình thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch; Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố gắn với Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị Tp.HCM. Bên cạnh đó, còn có khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản của các doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Một dự án KĐT quy mô lớn được hợp tác triển khai giữa đối tác Nhật
Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ tạo điều kiện tái khởi động các dự án bất động sản đang là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu, tạo ra nhiều hàng hóa cho thị trường M&A. HoREA cho biết có khoảng 300.000 tỷ đồng nợ xấu trong thời gian từ nay đến năm 2020, trong đó, có khoảng 60 - 70% được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu xử lý được 80% giá trị nợ xấu thì thông qua M&A, có thể đưa được hàng trăm dự án bất động sản có giá trị khoảng 150.000 tỷ đồng vận hành trở lại trong thị trường bất động sản.
Năm 2017, Nhật Bản đã thay thế Hàn quốc để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam Tp.HCM trong đó lĩnh vực chủ yếu là bất động sản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Mitsui, Maeda... Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, trong khoảng 05 năm gần đây, đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đơn cử như Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex; Hankyu, Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; ACA với Sơn Kim Land; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Creed Group với Công ty An Gia, Công ty Năm Bảy Bảy…
Dự báo, tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản và Việt Nam là rất lớn trong thời gian tới đây.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet