TP.HCM: Sẽ không cấm mua suất tái định cư
Mới đây, dự thảo chỉ thị về chấn chỉnh việc mua bán suất tái định cư, nhà, nền đất tái định cư do Sở Xây dựng TP.HCM trình đã không được UBND TP.HCM thông qua. Định hướng mới của thành phố là sẽ cho mua bán suất tái định cư với một số điều kiện nhất định.
Có quyết định bố trí nhà: Được bán suất tái định cư với một số điều kiện, thủ tục nhất định. Ảnh: HTD
Suất tái định cư là tài sản nhà nước?
Mấu chốt của vấn đề là suất tái định cư có phải là quyền về tài sản, được tự do chuyển nhượng theo Điều 181 Bộ luật Dân sự hay không. Theo tinh thần của dự thảo chỉ thị trên, Sở Xây dựng nhận định suất tái định cư không được xem là quyền tài sản của cá nhân bởi nó là tài sản của nhà nước trước khi bố trí tái định cư. Trong hợp đồng mua bán giữa nhà nước với hộ tái định cư cũng nêu rõ: “Khi chưa hết hiệu lực hợp đồng, mọi hành vi mua bán, sang nhượng, ủy quyền căn hộ do bên mua trong quá trình sử dụng tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân khác không có sự chấp thuận của bên bán thì bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng, thu hồi lại căn hộ”. Hợp đồng này cũng quy định trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận, bên mua không được chuyển dịch căn hộ với bất kỳ hình thức nào. Hợp đồng này thực hiện theo mẫu của Quyết định 58 năm 2004 do UBND TP ban hành.
Theo Sở Xây dựng, việc cấm bán suất tái định cư, nền đất, căn hộ tái định cư cũng phù hợp với chính sách về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (như nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp) hiện nay. Nếu cho dân giao dịch nhà ở tái định cư trong quá trình trả góp thì tốt nhất là thành lập sàn giao dịch nhà ở tái định cư do Quỹ Phát triển nhà ở TP cùng Sở Xây dựng thành lập như dự thảo đề xuất. Sàn sẽ mua lại quỹ nhà tái định cư theo giá thị trường rồi bán lại cho các quận, huyện để bố trí tái định cư ở các dự án khác.
Quyền về tài sản của hộ tái định cư
Sở Tư pháp lại nhận định không thể cấm việc chuyển nhượng suất tái định cư. “Về mặt lý, đây là quyền về tài sản của hộ tái định cư, không thể so sánh với nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp. Hộ tái định cư là người có đất bị thu hồi, nhà nước có trách nhiệm bố trí nhà, đất khác cho họ để đền bù. Đây là quyền của họ, nó trị giá được bằng tiền nên nó là quyền về tài sản, được chuyển nhượng” - bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, lập luận. “Về mặt tình, lẽ ra hộ tái định cư phải được hưởng nhà đất, cấp giấy chứng nhận nhà, đất tái định cư ngay khi bị thu hồi đất. Khi đó họ muốn chuyển nhượng thì vừa bán được giá vừa đơn giản, đúng luật chứ đâu cần phải bán “chui”.
Thực tế, muốn có nhà tái định cư người dân phải chờ đợi quá lâu trong khi người dân lại có nhu cầu chuyển nhượng. Nếu hỏi rằng liệu việc cho phép mua bán suất tái định cư có làm cho tình hình rối loạn không, tôi cho rằng chính vì cấm nên mới rối” - bà Hương khẳng định.
Không nhập nhằng ủy quyền với mua bán
Một nội dung trong dự thảo chỉ thị trên gây ra nhiều ý kiến khác nhau là để được hợp thức hóa việc mua bán “chui” trước đây, bên mua suất tái định cư phải mua lại căn hộ, nền đất tái định cư theo giá thị trường tại thời điểm mua nếu không liên lạc được với hộ tái định cư để điều chỉnh hợp đồng. Nhận định của Sở Xây dựng cho rằng thực tế hộ tái định cư chỉ bán suất tái định cư bằng hình thức ủy quyền như thay mặt đóng tiền, nhận nhà, làm thủ tục, quản lý, sử dụng... Khi nhà nước lại bán căn hộ cho bên được ủy quyền mà hộ tái định cư khiếu nại sẽ rất khó giải quyết. Do đó, nhà nước phải thu tiền của bên được ủy quyền (bên mua suất tái định cư) để có tiền giải quyết các phát sinh này. Trong văn bản thẩm định dự thảo trước đây, Sở Tư pháp đề nghị cân nhắc lại nội dung này vì không khả thi.
“Muốn giải quyết dứt điểm các tồn tại, phải dựa vào một trong hai quan điểm: Hoặc là công nhận giao dịch mua bán, hai là chỉ thừa nhận sự ủy quyền. Nếu vừa cho rằng đây là hình thức ủy quyền vừa cho mua bán... thì bản thân giải pháp vừa mâu thuẫn vừa khó gút vấn đề” - một lãnh đạo Sở Tư pháp bày tỏ. Tại cuộc họp với UBND TP mới đây, ý kiến của Sở Tư pháp đã được nhiều quận, huyện đồng tình.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã gút lại theo hướng không cấm mua bán suất tái định cư. Tuy nhiên, suất tái định cư muốn được giao dịch thì phải thỏa mãn những điều kiện nhất định và thực hiện theo một trình tự thủ tục nhất định. Chẳng hạn ít nhất hộ tái định cư đã có quyết định bố trí nhà... chứ không phải vừa có phương án tổng thể đã đem bán suất tái định cư tràn lan. Thành phố đã giao Sở Xây dựng soạn lại chỉ thị theo tinh thần này.
Theo PL TPHCM
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet