TP.HCM xây đô thị hiện đại trên nền các bãi chôn lấp rác
Các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận rác trên địa bàn TP.HCM sẽ được xử lý môi trường để biến thành quỹ đất sạch nhằm phát triển các khu đô thị hiện đại trong tương lai.
Đó là tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp doanh nghiệp, nghe đề xuất giải pháp xử lý bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị, sáng 10/8.
Đại diện Công ty TNHH Huy Hoàng Eco, ông Nguyễn Công Hồng cho biết đang tiến hành xử lý bãi chôn lấp rác Soi Nam ở tỉnh Hải Dương. Theo đó, rác đã chôn lấp lâu ngày được đưa ra quy trình xử lý tách hữu cơ làm phân, tách nilông tái chế hạt nhựa và dùng tro xỉ đốt rác để làm vật liệu xây dựng…
Với kinh nghiệm đã có, ông Hồng đề xuất nghiên cứu xử lý bãi chôn lấp rác ở Gò Cát (quận Bình Tân, TP.HCM), sau đó tới bãi chôn lấp rác ở Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với công nghệ tương tự.
"Nếu được giao xử lý, bãi rác Gò Cát sẽ thực hiện trong 2 năm, còn triển khai khu đô thị sinh thái ở đây sẽ mất thêm 3 năm nữa", ông Hồng đề xuất.
Ông Hồng cũng đề xuất được nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu đô thị sinh thái trên chính các bãi chôn lấp rác sau khi được xử lý. Để giảm chi phí cho nhà nước, đại diện doanh nghiệp này cho rằng cần mở rộng phạm vi nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị ra vùng phụ cận bãi chôn lấp rác.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (giữa, hàng đầu) thị sát mô hình đốt rác
phát điện ở bãi rác Gò Cát ngày 19/7/2017. Ảnh: Quang Khải
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết đã có sự thay đổi nhận thức trong việc xử lý, sử dụng các bãi chôn lấp rác. Quy hoạch ban đầu chỉ là phát triển công viên cây xanh nhưng hiện nay xu hướng là phát triển đô thị. Phó chủ tịch UBND TP cho biết hiện có khoảng 8 đơn vị quan tâm đến lĩnh vực này và có những đề xuất cụ thể với TP.
Trước đề xuất của nhà đầu tư, ông Hoan trao đổi lại chủ trương của TP là sẽ tổ chức đấu thầu trong khâu xử lý rác và đấu giá quỹ đất sạch thu được, lấy kinh phí đó trả cho nhà đầu tư xử lý rác.
Về việc điều chỉnh quy hoạch khu chôn lấp rác này, TP sẽ chỉ đạo các sở ngành thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến đa chiều, trong đó có thể có cả những nghiên cứu của nhà đầu tư.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ ba từ phải) tham quan mô hình đốt rác
phát điện tại bãi rác Gò Cát năm 2017. Ảnh: Quang Khải
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết rất hoan nghênh và trân trọng các đóng góp, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề xử lý môi trường của TP.HCM. Riêng về đề xuất của Công ty TNHH Huy Hoàng Eco, ông Nhân đánh giá cao vì có sự khác biệt so với các đơn vị trước như có kinh nghiệm xử lý ở Hải Dương, đề xuất tham gia khâu quy hoạch phát triển đô thị…
Ông Nhân yêu cầu trong vòng 3 tháng, Sở Tài nguyên và môi trường TP phải ra đầu bài về đấu giá xử lý môi trường tại các khu chôn lấp rác, đảm bảo kỹ thuật về môi trường, khả thi với nhà đầu tư mà Nhà nước ít tốn tiền nhất.
Ông Nhân cũng đồng tình việc quy hoạch lại các khu chôn lấp rác thành các khu đô thị phải do Nhà nước thực hiện trên cơ sở huy động sáng kiến, góp ý của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường, trên địa bàn TP.HCM hiện có 3 khu xử lý rác đã ngưng hoạt động. Một là khu xử lý rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với diện tích chôn lấp 20ha, khối lượng chôn lấp hơn 10,8 triệu tấn đã ngưng tiếp nhận từ năm 2002. Hai là khu xử lý rác Gò Cát (Q.Bình Tân), diện tích chôn lấp 17,5ha, khối lượng chôn lấp 5,6 triệu tấn và ngưng tiếp nhận rác từ năm 2007. Ba là khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), tổng diện tích 48ha, tổng khối lượng chôn lấp hơn 8,2 triệu tấn. Đa số các khu xử lý rác này sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. |
Quang Khải
(Theo Tuổi trẻ Online)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet